Công tác xuất bản, phát hành xuất bản phẩm phải bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của bộ, ngành

24/04/2020
Công tác xuất bản, phát hành xuất bản phẩm phải bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của bộ, ngành
Sáng ngày 23/4 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác xuất bản, phát hành xuất bản phẩm, công tác chủ quản nhà xuất bản năm 2020. Hội nghị có sự tham dự của đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng đại diện các Bộ, ban, ngành ở Trung ương, đại diện Tỉnh ủy, Thành ủy và các đơn vị xuất bản, phát hành sách tại các điểm cầu trong cả nước.
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành khẳng định, năm 2019 là năm đặt dấu ấn rất đậm nét của hoạt động xuất bản. Theo đó, các nhà xuất bản đã thực hiện xuất bản và nộp lưu chiểu 37.100 xuất bản phẩm với 441 triệu bản, tỷ lệ bình quân đầu người đạt khoảng 4,6 bản/người/năm; tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 2.700 tỷ đồng (tăng 10,7% so với năm 2018). Chất lượng nội dung xuất bản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực. Các loại sách về các lĩnh vực pháp luật, văn hóa, văn học, thiếu niên, nhi đồng, khoa học, công nghệ, kinh tế, giáo dục, tôn giáo, môi trường... ngày càng phong phú và có chất lượng tốt, trong đó riêng sách đề tài chính trị, pháp luật đạt 2.230 cuốn/6.257.950 bản (tăng 29,5% về bản so với năm 2018). Bên cạnh những mặt tích cực, Báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận hiện vẫn còn một số nhà xuất bản chưa vượt qua được giai đoạn khó khăn, hoạt động không hiệu quả dẫn đến thua lỗ; hoạt động xuất bản, phát hành dù lượng xuất bản phẩm có nội dung vi phạm chiếm tỷ lệ thấp và giảm hơn so với năm 2018, nhưng tính chất, mức độ vi phạm có biểu hiện nghiêm trọng hơn, trong đó có các đầu sách liên quan trực tiếp đến tư tưởng chính trị, tập trung ở một vài nhà xuất bản. Một số nhà xuất bản chưa thực sự quan tâm đến việc bồi dưỡng, quy hoạch nguồn nhân lực nên để xảy ra tình trạng thiếu hụt hoặc không đảm bảo chất lượng. Một số địa bàn vẫn còn cơ sở phát hành bày bán xuất bản phẩm không rõ nguồn gốc, không có chứng từ, hóa đơn hợp lệ… 
Tham gia phát biểu ý kiến tại điểm cầu Nhà xuất bản Tư pháp, đồng chí Hồ Quang Huy, Giám đốc Nhà xuất bản đã báo cáo nhanh về những kết quả đạt được trong công tác xuất bản, phát hành sách pháp luật năm 2019, đồng thời kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thế chế trong lĩnh vực xuất bản (cụ thể hóa các chính sách mới trong Chỉ thị của Bán Bí thư về công tác xuất bản sách chính trị - pháp lý thay thế Chỉ thị số 20; đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 195/2013/NĐ-CP; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đăng ký cấp phép xuất bản phẩm); tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất bản, trong đó đặc biệt là các hành vi vi phạm về bản quyền, giả mạo Website, ấn phẩm sách…; xây dựng Quy tắc ứng xử chung giữa các nhà xuất bản để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tạo nguồn lực cùng nhau xử lý các vấn đề phát sinh; triển khai các chương trình, đề án sách nhà nước đặt hàng, sách chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng xây dựng các nhà xuất bản nòng cốt, giữ vai trò chủ đạo trong từng lĩnh vực cụ thể; đồng thời quan tâm xây dựng, nâng cao năng lực nội tại của ngành xuất bản (đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch đội ngũ biên tập viên, họa sỹ, kỹ thuật viên, cán bộ phát hành của các nhà xuất bản; tháo gỡ “nút thắt’ về cơ chế tài chính trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật để khắc phục tình trạng manh mún, hạn chế về nguồn lực trong triển khai xuất bản sách điện tử; thống nhất mô hình tổ chức để phù hợp với việc thực hiện đồng thời chức năng, nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh…). 
Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, sách xuất bản ngày càng phong phú, đa dạng nên việc quan tâm đào tạo con người, tuyên truyền công tác tư tưởng, đào tạo cán bộ, bồi dưỡng hết sức quan trọng. Công nghiệp xuất bản và thị trường xuất bản sách vẫn còn manh mún, đòi hỏi hình thức làm sách phải gắn liền đối tượng thì mới đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc, nhất là sách điện tử trong điều kiện hiện nay.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu trong năm 2020, ngành xuất bản cần tập trung xuất bản sách phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước, của bộ, ngành; các cơ quan chủ quản cần ưu tiên kinh phí, nhân sự cho hoạt động xuất bản. Các nhà xuất bản phải tự ý thức được vai trò trách nhiệm của mình đối với việc truyền tải tri thức tới người đọc để từ đó hoạt động đúng quy định và xuất bản được nhiều xuất bản phẩm có giá trị cao, chất lượng tốt. Đặc biệt quan tâm tới xây dựng cơ chế, chính sách cho hoạt động xuất bản, phát hành, tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển và hội nhập; chú trọng chuyển đổi mô hình tổ chức, phương thức sản xuất kinh doanh. Về sách điện tử, đã đến lúc các đơn vị cần chung tay xây dựng phát triển chung phần mềm hỗ trợ quy trình quản lý và biên tập, xuất bản để hoạt động hiệu quả trong bối cảnh điều kiện nguồn lực đầu tư riêng lẻ của mỗi đơn vị còn thấp…
Tổ Quản lý Website Nhà xuất bản Tư pháp