Trong ngày vui kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp, Học viện Tư pháp trang trọng tổ chức Hội thảo khoa học: “Khoa Đào tạo Luật sư – 15 năm xây dựng và phát triển”. Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Văn Điệp – Phó giám đốc Học viện Tòa án, nguyên Trưởng khoa Đào tạo Luật sư; ông Nguyễn Văn Huyên – nguyên Phó giám đốc Học viện Tư pháp; ông Nguyễn Thanh Bình – nguyên Trưởng khoa Đào tạo Luật sư cùng đông đảo giảng viên thỉnh giảng là các luật sư đến từ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, các Văn phòng Luật sư, các công ty luật; các học viên đã từng học tại Học viện Tư pháp. Phía Học viện Tư pháp có Giám đốc Đoàn Trung Kiên; Phó giám đốc Nguyễn Xuân Thu, bà Lê Mai Anh - nguyên Phó giám đốc Học viện Tư pháp, giảng viên cao cấp Khoa Đào tạo Luật sư cùng các giảng viên, cán bộ, chuyên viên của Học viện.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Học viện Tư pháp Đoàn Trung Kiên chúc mừng và ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ cán bộ, giảng viên, người lao động của Khoa Đào tạo Luật sư trong suốt chặng đường 15 năm qua. Đặc biệt, Giám đốc Đoàn Trung Kiên tri ân những đóng góp thầm lặng, to lớn và nhiệt huyết của các thầy cô giáo thỉnh giảng trong quá trình thực hiện chương trình đào tạo nghề luật sư tại Học viện Tư pháp. Tại Hội thảo này, ông mong muốn các đại biểu tham dự hội thảo đánh giá, chia sẻ khách quan về những thành tựu của Khoa Đào tạo Luật sư, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cũng như nhận diện những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế đó và đóng góp những kinh nghiệm, hiến kế, đề xuất các định hướng, giải pháp phát triển cho Khoa trong thời gian tới để Khoa Đào tạo Luật sư nói riêng và Học viện Tư pháp nói chung ngày càng phát triển.
Khoa Đào tạo Luật sư được thành lập theo Quyết định số 295/QĐ-GĐ ngày 22/9/2004 của Giám đốc Học viện Tư pháp. Trong suốt quá trình 15 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Khoa Đào tạo Luật sư đã có nhiều đóng góp vào thành tích chung của Học viện Tư pháp trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tư pháp của đất nước, giúp Học viện từng bước xây dựng, trở thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp ở Việt Nam. Những thành tựu cơ bản của Khoa Đào tạo Luật sư được thể hiện ở Chương trình đào tạo, ở đội ngũ giảng viên, ở nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo tại Học viện Tư pháp, ở công tác nghiên cứu khoa học.
Từ Chương trình bồi dưỡng nghề luật sư 4 tháng, Khoa Đào tạo Luật sư đã xây dựng và thực hiện thành công Chương trình đào tạo nghề luật sư 6 tháng, Chương trình đào tạo nghề luật sư 12 tháng theo hình thức niên chế và hiện tại là Chương trình đào tạo nghề luật sư 12 tháng theo hệ thống tín chỉ. Đặc biệt, năm 2019, Khoa Đào tạo Luật sư tiên phong xây dựng và triển khai thực hiện Chương Chương trình đào tạo nghề luật sư chất lượng cao, tăng cường năng lực thực hành nghề. Bên cạnh đó Khoa còn tích cực phối hợp xây dựng và triển khai chương trình đào tạo chung nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư và chương trình Đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế.
Đội ngũ giảng viên cơ hữu của Khoa đào tạo nghề luật sư đã có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động giảng dạy. Bên cạnh đó Khoa cũng quy tụ được đội ngũ các giảng viên thỉnh giảng có uy tín, giàu kinh nghiệm nghề nghiệp.
Khoa Đào tạo Luật sư đã có đóng góp quan trọng trong công cuộc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Tư pháp, phục vụ Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020, Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Tính đến 6 tháng đầu năm 2019, Hoc viện Tư pháp đã và đang đào tạo 35.874 học viên luật sư.
Giá trị cốt lõi của Khoa Đào tạo Luật sư không chỉ là thương hiệu về đào tạo nghề luật sư mà khoa còn có nhiều đóng góp tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học. Khoa đã tổ chức biên soạn 20 cuốn giáo trình và 90 bộ hồ sơ tình huống và các tài liệu khác phục vụ cho công tác đào tạo nghề luật sư. Các giảng viên của Khoa đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp cơ sở và công bố hàng trăm bài báo nghiên cứu khoa học trên Tạp chí chuyên ngành có uy tín.
Tại buổi Hội thảo, các đại biểu không chỉ đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, hiến kế cho định hướng phát triển mới của Khoa Đào tạo Luật sư và Học viện Tư pháp mà còn bày tỏ tình cảm đặc biệt với Học viện Tư pháp, coi Học viện Tư pháp như ngôi nhà thứ 2 ấm áp để trở về. PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng – Trưởng khoa Đào tạo Luật sư vô cùng xúc động thay mặt tập thể cán bộ, giảng viên, người lao động Khoa Đào tạo Luật sư đón nhận tình cảm của các vị đại biểu. Đây chính là động lực để cán bộ, giảng viên, người lao động của Khoa tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong giai đoạn mới.
Với 4 bài tham luận và nhiều ý kiến phát biểu, Hội thảo đã thành công tốt đẹp, đạt được mục tiêu đề ra. Các đại biểu đã phân tích sâu sắc, đánh giá khách quan về những thành tựu, kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế của Khoa Đào tạo Luật sư trong suốt 15 năm qua. Để kết quả Hội thảo có giá trị thiết thực, Giám đốc Học viện Tư pháp Đoàn Trung Kiên đề nghị Khoa Đào tạo Luật sư tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu, rà soát, hoàn thiện các tham luận và lưu tài liệu Hội thảo, tham mưu thực hiện hiệu quả các ý kiến phát biểu trong Hội thảo.
Bước sang giai đoạn mới, tập thể công chức, viên chức, người lao động của Học viện Tư pháp cũng như Khoa Đào tạo Luật sư phải tiếp tục phát huy những thành tựu và truyền thống tốt đẹp, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, cống hiến trí tuệ, giữ vững kỷ cương để cùng chung sức đồng lòng thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị được giao. Trước hết là duy trì và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng luật sư hiện nay, đồng thời tập trung mọi nguồn lực để thực hiện thành công các chương trình đào tạo mới như chương trình Đào tạo Luật sư chất lượng cao, chương trình đào tạo chung nguồn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và chương trình Đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế. Có thể nói việc tổ chức thành công Hội thảo này đã khẳng định vững chắc niềm tin xây dựng Khoa Đào tạo Luật sư ngày càng phát triển, góp phần quan trọng giúp Học viện Tư pháp trở thành “trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” ở Việt Nam.
Thanh Hương