Sẽ có quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về thi hành pháp luật

27/06/2019
Sẽ có quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về thi hành pháp luật
Ngày 27/6, phối hợp với JICA, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị (PAKN) của các cơ quan, tổ chức và cá nhân về tình hình thi hành pháp luật (THPL). Đây là hoạt động góp phần nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình tiếp nhận, xử lý PAKN về tình hình THPL.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL Đặng Thanh Sơn cho biết: Mặc dù công tác theo dõi THPL ngày càng được triển khai bài bản hơn, bước đầu đạt được kết quả tích cực nhưng vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, bất cập. Trong đó, công tác tiếp nhận, xử lý PAKN của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tình hình THPL tại các bộ, ngành, địa phương chưa có một quy trình thực sự bài bản và hiệu quả.
Đây cũng là một trong những nhiệm vụ mà Bộ Tư pháp được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án 242 về đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL – nhiệm vụ xác lập quy trình tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tình hình thi hành pháp luật một cách thống nhất, có hệ thống, rõ ràng, minh bạch. Thông qua hoạt động theo dõi THPL, cơ quan nhà nước tăng cường năng lực phản ứng chính sách, xử lý các vấn đề mới phát sinh, đặc biệt gắn kết với quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật.  
Vì vậy, theo ông Sơn, Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và các nhà hoạt động thực tiễn cùng nhau phân tích, đánh giá toàn diện về những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai công tác tiếp nhận, xử lý PAKN về tình hình THPL; trao đổi, thảo luận những giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý PAKN của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tình hình THPL; đồng thời tham khảo kinh nghiệm từ các chuyên gia Nhật Bản.
“Những luận giải, kiến nghị của các đại biểu dự Hội thảo là căn cứ quan trọng để Bộ Tư pháp tiếp tục triển khai hoặc kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về công tác tiếp nhận, xử lý PAKN về tình hình THPL” – Cục trưởng Sơn nhấn mạnh.
Giới thiệu một số nội dung chính của dự thảo Quyết định, ông Phạm Ngọc Thắng (Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL) mong muốn các đại biểu tham gia, góp ý liên quan đến khái niệm PAKN về tình hình THPL; về vai trò, vị trí của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã và các tổ chức pháp chế trong thực hiện quy trình tiếp nhận, xử lý PAKN về tình hình THPL. Ông Thắng thẳng thắn cho hay, quá trình nghiên cứu đã nhận thấy rất rõ khả năng tiềm ẩn nguy cơ là quy trình quy định tại Quyết định này sẽ dễ bị trùng lắp với quy trình tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Nghị định số 20/2008/NĐ-CP.
 

Hàm Vụ trưởng Vụ 1 (Văn phòng Chính phủ) Trần Văn Sơn đồng tình rằng phạm vi PAKN rất rộng nhưng lại gần với khiếu nại, tố cáo và trong giải quyết khiếu nại, tố cáo lại có PAKN. Trong đó, ông Sơn nhận xét chưa có quy định tiếp nhận PAKN liên quan đến tố cáo, nhất là tố cáo nặc danh hoặc không qua hình thức hiện hành như thư điện tử… Bởi thế, cần có văn bản để trật tự hóa việc tiếp nhận, xử lý PAKN, trước mắt là Nghị định, về lâu dài phải xây dựng Luật Tiếp nhận và xử lý PAKN của cá nhân, tổ chức.
Bàn về vai trò của Bộ, ngành Tư pháp và các tổ chức pháp chế, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) Võ Thanh Lâm đề nghị nên quy định vai trò đầu mối, có thể là cơ quan tư pháp hoặc 1 đơn vị nào khác nhưng phải rõ ràng. Đi kèm với đó là quy định rõ chức năng nhiệm vụ thì các bộ, ngành triển khai mới có hiệu quả, khả thi, bảo đảm tham mưu cho lãnh đạo bộ, ngành trong giải quyết PAKN về tình hình THPL.
Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản, chuyên gia dự án JICA Edagawa Mitsushi quan niệm, việc xây dựng quy trình tiếp nhận, xử lý PAKN phụ thuộc vào 3 mục đích như cải thiện hệ thống pháp luật hay xử phạt công chức, viên chức vi phạm hay cải thiện chất lượng dịch vụ phục vụ công dân để thiết lập được quy trình phù hợp. Ở Nhật Bản có hệ thống tư vấn hành chính miễn phí (Bộ Hành chính) để lắng nghe và tư vấn cho người dân, từ đó cải thiện hệ thống pháp luật, đem lại sự hài lòng cho người dân. Tất nhiên, mỗi cơ quan hành chính đều có hệ thống riêng của mình nhưng trung bình hàng năm, Bộ Hành chính tiếp nhận 160 – 170 kiến nghị, phần lớn là các ý kiến giúp cải thiện hệ thống hành chính.
 

Điểm giống của hệ thống tư vấn hành chính tại Nhật Bản với Việt Nam là Nhật cũng quy định loại việc nào thì không tư vấn hành chính như vụ việc tòa đang thụ lý, liên quan đến hình sự hoặc có khả năng xử lý hình sự, tư vấn về thuế. Ủng hộ phạm vi các PAKN được tiếp nhận, xử lý cần mở rộng nhưng ông Mitsushi khuyến nghị Việt không nên quá nặng nề về hình thức, quan trọng là tổ chức thực hiện như thế nào và việc tổ chức lại phụ thuộc vào các mục đích nêu trên.

Tin: Thục Quyên
Ảnh: An Như