Tọa đàm lấy ý kiến xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

23/05/2019
Tọa đàm lấy ý kiến xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp
Ngày 22/5, Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm lấy ý kiến xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (GĐTP).
Chưa đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống tham nhũng
Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (đơn vị được Lãnh đạo Bộ giao chủ trì xây dựng dự án Luật) Đỗ Hoàng Yến khẳng định: Qua hơn 5 năm triển khai thi hành Luật cho thấy, các bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật GĐTP, hệ thống các quy định về GĐTP ở các lĩnh vực tiếp tục được hoàn thiện; hệ thống tổ chức GĐTP, đội ngũ người làm GĐTP tiếp tục được củng cố và phát triển… Do đó, công tác GĐTP có những bước chuyển biến tích cực ngày càng nền nếp, hiệu quả. Về cơ bản, hoạt động GĐTP đã phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động tố tụng, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.

Tuy nhiên, trước yêu cầu cấp bách của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới thì công tác GĐTP đã bộc lộ một số bất cập. Chỉ nói riêng về thể chế thì Luật GĐTP và pháp luật về tố tụng quy định chưa đầy đủ về căn cứ, cách thức trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định, dẫn đến tình trạng một số trường hợp lạm dụng GĐTP để gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử; việc đánh giá, sử dụng kết luận GĐTP nhiều vụ việc còn lúng túng, chưa thống nhất, chặt chẽ. Quy định về thời hạn giám định chưa đầy đủ. Hầu hết các loại việc hiện không có quy định nên thời gian thực hiện giám định trong các vụ án kinh tế, tham nhũng bị kéo dài, dẫn đến một số vụ án vi phạm thời hạn tố tụng, gây ảnh hưởng đến tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.
Bên cạnh đó, quy định về trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định và cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện giám định chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, thiếu chế tài bảo đảm thực hiện... Điều này dẫn đến việc trong một số trường hợp cơ quan trưng cầu chưa cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ vụ việc cho thực hiện giám định, nội dung yêu cầu không rõ ràng hoặc không phù hợp chức năng, thẩm quyền của ngành chuyên môn. Cơ quan, tổ chức được trưng cầu thì từ chối, né tránh, đùn đẩy hoặc chậm trễ trong tổ chức thực hiện việc giám định. Ngoài ra, cơ chế tài chính hiện hành về chi phí GĐTP, nhất là quy trình, thủ tục thanh toán chưa phù hợp với đặc thù hoạt động giám định, còn vướng mắc, gây chậm trễ, ách tắc nhiều vụ việc GĐTP…

Quan tâm hơn đến người thực hiện giám định
Các đại biểu tham dự tọa đàm đều đánh giá GĐTP là nhiệm vụ quan trọng trong tố tụng, kết luận giám định chính xác, khách quan và kịp thời góp phần giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật các vụ án, đặc biệt là trong tình hình đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay nên thực sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các bất cập, vướng mắc về thể chế. Ghi nhận những kết quả tích cực đã đạt được, Hàm Vụ trưởng Vụ 1 (Ban Nội chính Trung ương) Mai Ngọc Dương cho rằng, công tác GĐTP theo vụ việc còn chậm, chất lượng một số kết luận giám định chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Nhận xét Bộ Tư pháp đã tích cực, khẩn trương triển khai có hiệu quả các nội dung có liên quan đến xây dựng dự án Luật, ông Dương đề nghị làm sâu sắc thêm tính chất hoạt động công vụ, thực thi công vụ của hoạt động GĐTP theo vụ việc phục vụ xử lý các vụ án hình sự, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng (cần đặt ngang bằng với các hoạt động giám định mà Nhà nước thành lập tổ chức giám định công lập). Đồng thời làm rõ thêm trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh trong việc tiếp nhận, thực hiện việc giám định; quy định rõ thêm trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc cung cấp tài liệu, căn cứ đầy đủ, đảm bảo cho việc giám định…
Đến từ Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Đức Hùng chia sẻ, đơn vị ông đang thụ lý, theo dõi giám định khoảng 15 vụ án kinh tế, tham nhũng thì có 10 vụ thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, một trong những khó khăn là hiện chưa có định nghĩa thế nào là thiệt hại, mới chỉ vận dụng quy định về tổn thất vật chất thực tế của Bộ luật Dân sự để đánh giá thiệt hại, trong khi xác định thiệt hại vật chất đóng vai trò rất quan trọng trong các vụ án kinh tế, dẫn đến không ít vụ việc bị “đắp chiếu”.

Ông Hùng và rất nhiều đại biểu đều đề xuất quy định thêm chế độ đãi ngộ, khen thưởng đối với giám định viên, cơ quan giám định hoàn thành tốt nhiệm vụ; quan tâm hơn đến quyền chứ không chỉ “chăm chăm” vào nghĩa vụ của giám định viên. Bởi trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, nghĩa vụ của giám định viên là rất nặng nề mà đáng chú ý là giám định viên phải chịu trách nhiệm cá nhân về vấn đề bồi thường thiệt hại nhưng quyền lại rất hạn chế, là một nguyên nhân của tình trạng đùn đẩy, né tránh. Theo đó, một số quyền được các đại biểu gợi ý như quyền được từ chối một phần hoặc toàn bộ yêu cầu trưng cầu, quyền được bảo vệ, quyền được bố trí chỗ ngồi tương xứng tại phiên tòa…
H.Thư