Nhiều vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư tại Khánh Hòa, Quảng Bình

24/12/2018
Nhiều vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư tại Khánh Hòa, Quảng Bình
Ngày 18 và ngày 21/12/2018 tại tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Quảng Bình, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (viết tắt là Chương trình 585) phối hợp với Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp tổ chức các Hội nghị đối thoại vướng mắc, bất cập trong thực thi Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2016) tại Khánh Hòa và Quảng Bình.

Tham dự Hội nghị đối thoại có đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Chương trình 585, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các sở, ban ngành, đoàn luật sư tỉnh và các đại biểu đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan, các doanh nghiệp trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa, Quảng Bình và các tỉnh lân cận tham dự. Ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp - Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình 585 chủ trì Hội nghị đối thoại tại tỉnh Khánh Hòa và Quảng Bình.
Hội nghị đối thoại tại tỉnh Khánh Hòa, Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2014 là rất cần thiết vì đảm bảo mục tiêu và nguyên tắc nhằm đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí gia nhập thị trường cho nhà đầu tư, kinh doanh và doanh nghiệp; nâng cao và thúc đẩy quản trị doanh nghiệp tốt với phuwong châm chủ yếu là “bãi bỏ”, tập trung và nội dung cơ bản, sửa đổi tối thiểu Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Ông Hiếu dẫn chiếu tổng hợp thời gian để doanh nghiệp, nhà kinh doanh gia nhập thị trường hiện nay vẫn còn mất tối thiểu, trung bình ít nhất 20 ngày, từ đăng ký thành lập với cơ quan đăng ký kinh doanh; khắc dấu; thông báo mẫu dấu; mở tài khoản ngân hàng; mua hoặc tự in hóa đơn VAT; công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp; nộp thuế môn bài; đăng ký lao động với Sở Lao động, thương bình và Xã hội; đăng ký bảo hiểm với cơ quan bảo hiểm xã hội…thì việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp sắp tới sẽ nhằm mục tiêu bãi bỏ trên 60% các thủ tục trên, cụ thể như bãi bỏ thủ tục khắc dấu; thông báo mẫu dấu; mở tài khoản ngân hàng; mua hoặc tự in hóa đơn VAT; đăng ký lao động với Sở Lao động, thương bình và Xã hội; đăng ký bảo hiểm với cơ quan bảo hiểm xã hội. Các thủ tục trên bãi bỏ sẽ giảm được 2/3 thời gian gia nhập thị trường hiện nay của doanh nghiệp, dự kiến sau khi Luật Doanh nghiệp sửa đổi, thời gian gia nhập thị trường của nhà đầu tư, doanh nghiệp chỉ còn 6-8 ngày (rút ngắn 12-14 ngày so với 20 ngày như hiện nay).
Ông Quách Ngọc Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc sửa đổi Luật Đầu tư năm 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2016) là rất cần thiết vì việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là nhiệm vụ thường xuyên được quy định tại Điều 8 Luật Đầu tư; Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cải cách quản lý nhà nước về đầu tư, kinh doanh từ chỗ doanh nghiệp kinh doanh trong phạm vi cho phép cảu nhà nước sang doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề Luật Đầu tư không cấm. Tuy nhiên, nhiều Luật chưa sửa đổi để đồng bộ theo nguyên tắc trên. Ngoài ra, các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh đã có nhiều cải tiến nhưng còn nhiều thủ tục không hợp lý, chưa cụ thể; do đó, cần phải sửa đổi để cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các “nút thắt”.
TS. Luật sư Nguyễn Đình Thơ – Chủ nhiệm Ủy ban đào đạo và phổ biến pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, các vướng mắc bất cập trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cần sớm được sửa đổi nhằm tạo điều kiện hành nghề cho các luật sư cũng như đảm bảo các cơ quan quản lý nhà nước áp dụng pháp luật một cách thống nhất, cụ thể trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phải ban hành một số văn bản hướng dẫn, thống nhất áp dụng pháp luật nhưng nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng doanh nghiệp, vì vậy, việc sửa đổi 2 đạo luật trên cần sớm được hoàn thành.
Tại tỉnh Quảng Bình, Luật sư Nguyễn Văn Thìn, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Quảng Bình đã nêu các tồn tại, vướng mắc trong hai đạo luật trên, trong đó nhấn mạnh một số vụ việc nổi cộm của Công ty Cổ phần Lệ Ninh, Công ty Cổ phần Việt Trung… trong thời gian qua tại Quảng Bình liên quan đến việc vận dụng các điều khoản áp dụng của Luật Doanh nghiệp dẫn đến việc doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng vẫn vướng các thủ tục giảm vốn góp, ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông.
Ông Phạm Ngọc Sơn – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Lệ Ninh và Ông Trương Quang Thêm (nguyên Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình) cũng đã nêu ra các vướng mắc tại các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu Tư liên quan đến ký quỹ, giao đất, cho thuê đất, sắp xếp lại tài sản công, việc thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư, thay đổi cổ đông sáng lập của Công ty nhưng thực chất là chuyển nhượng các dự án… khiến cho ngân sách bị thất thu, môi trường kinh doanh bị ảnh hưởng.
Tại Hội nghị đối thoại tại tỉnh Khánh Hòa và Quảng Bình, đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trực tiếp trao đổi, giải đáp các vướng mắc của các đạo luật trên với các đại biểu, doanh nghiệp tham dự liên quan đến con dấu, quy định doanh nghiệp nhà nước, tổ chức lại doanh nghiệp, phá sản, giải thể…
Trao đổi với các đại biểu, đại diện Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Luật sư, đại biểu tham dự Hội nghị đối thoại và kết luận Hội nghị đối thoại, Ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp - Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình 585 đánh giá cao các ý kiến trao đổi của các sở, ban ngành địa phương, góp ý của các đại biểu, các Luật sư về những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực thi Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2016), trong đó có cả những trao đổi để làm rõ các quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015 liên quan đến pháp nhân, cá nhân… Bộ Tư pháp với chức năng xây dựng, góp ý và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật luôn luôn lắp nghe và tiếp nhận các ý kiến phản hồi của các Luật sư, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quý trình áp dụng pháp luật, nhất là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy định pháp luật này. Về phía Ban Quản lý Chương trình 585, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu tham dự các Hội nghị đối thoại trên, trong tháng 12/2018, Ban Quản lý Chương trình 585 sẽ hoàn thiện Báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để các cơ quan soạn thảo nghiên cứu, hoàn thiện trình các cơ quan có thẩm quyền sớm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của các đạo luật này, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội./.
Trần Minh Sơn
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp
Ảnh: Trần Thanh Tùng CT 585