Hội thảo trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia Pháp về pháp luật đăng ký tài sản

18/12/2018
Hội thảo trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia Pháp về pháp luật đăng ký tài sản
Ngày 18/12, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã tổ chức Hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia Pháp về pháp luật đăng ký tài sản. Bà Nguyễn Chi Lan, Phó Cục trưởng Cục ĐKQGGDBĐ chủ trì, đại diện chuyên gia Pháp, một số đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan có liên quan cùng dự.
Tại Hội thảo, Bà Chi Lan cho biết, pháp luật đăng ký tài sản được ban hành trong thời gian vừa qua đã tạo cơ sở pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi nhận, công nhận, bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp đối với các tài sản khác nhau của cá nhân, tổ chức như tài sản là bất động sản, tàu bay, tàu biển, chứng khoán, phương tiện giao thông cơ giới, quyền sở hữu trí tuệ… Trong khuôn khổ pháp lý về đăng ký tài sản ở Việt Nam hiện nay gồm có 79 văn bản QPPL, trong đó có 22 luật và Bộ luật được ban hành tại những thời điểm, bối cảnh và mục đích khác nhau. Các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước theo các văn bản luật đó cũng khác nhau. Do đó, việc thiếu định hướng chung trong thiết kế, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về đăng ký tài sản là khá rõ nét. Trong khi đó, qua nghiên cứu pháp luật của một số nước trên thế giới thì việc đăng ký tài sản chủ yếu tập trung vào đăng ký bất động sản thông qua việc ban hành Luật đăng ký bất động sản.

Chia sẻ thông tin về hệ thống cơ quan đăng ký tài sản và thực tiễn triển khai đăng ký tài sản tại Pháp, Giáo sư Michel Grimaldi cho biết, ở Pháp chỉ thực hiện đăng ký tài sản bảo đảm là bất động sản và động sản là tài sản được hai bên giao kết hợp đồng sử dụng làm thế chấp, tín chấp chứ không thực hiện đăng ký cho các loại tài sản khác. Theo Giáo sư, đăng ký bất động sản có tác dụng tích cực nhưng cũng có sự cản trở. Về tác dụng, việc đăng ký mang đến sự đảm bảo về mặt pháp lý cho người sở hữu. Tuy nhiên, nó mang đến sự cản trở như, trường hợp cá nhân không muốn tiết lộ thông tin về tài sản, nên cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, có luồng ý kiến cho rằng, không công khai vì nó làm lộ thông tin về tài sản cũng như tình trạng nợ nần của cá nhân. Mặc dù hiện nay ở Pháp không còn ý kiến này nhưng trên thực tế nó vẫn tồn tại. Giáo sư cũng chia sẻ thêm, ở Pháp, có hai hình thức đăng ký là đăng ký theo tên người và đăng ký theo địa bạ (là đăng ký theo chính mảnh đất đó). Đăng ký theo tên người có nhược điểm, nên nó được thay thế bằng hình thức đăng ký theo chính chính mảnh đất đó. Và việc đăng ký theo địa bạ được thực hiện rất tốt ở Pháp. 

Tại Hội thảo, các chuyên gia Pháp đã chia sẻ rất nhiều thông tin hữu ích có liên quan đến đăng ký tài sản như trình tự, thủ tục đăng ký đất tại Pháp đồng thời cũng đưa ra một số khuyến nghị về định hướng xây dựng pháp luật về đăng ký tài sản tại Việt Nam...
An Như