Xem xét dự thảo 9 đề án đưa pháp luật ASEAN vào giảng dạy

06/12/2007
Ngày 5/12, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã có buổi làm việc với đại diện Ban Xây dựng đề án và Tổ thư ký xây dựng đề án “Đưa việc giảng dạy pháp luật các nước ASEAN vào chương trình của các cơ sở đào tạo đại học luật và Học viện Quan hệ quốc tế”, do Bộ Tư pháp chuẩn bị theo Công văn số 1814-CV/VPTW (ngày 20/3/2007) của Văn phòng Trung ương Đảng.

Mục tiêu của đề án là đưa việc giảng dạy pháp luật các nước ASEAN thành nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo của tất cả các cơ sở đào tạo đại học luật và Học viện Quan hệ quốc tế ở nước ta, nhằm trang bị kiến thức cơ bản và chuyên sâu cho người học về pháp luật các nước ASEAN, đảm bảo tính liên thông giữa các chương trình đào tạo, chương trình bồi dưỡng các chuyên gia pháp luật, nhà quản lý, nhà kinh doanh và các đối tượng khác có nhu cầu, đáp ứng yêu cầu hội nhập ASEAN nói riêng và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, cũng như nhu cầu học tập của xã hội.

TS.Lê Minh Tâm - Hiệu trưởng trường Đại học Luật – đã trình bày tóm tắt quá trình xây dựng và nội dung chính của đề án. Theo đó, mục tiêu của đề án sẽ được thực hiện qua hai giai đoạn:

-         Giai đoạn 2008 – 2010: đưa việc giảng dạy pháp luật các nước ASEAN thành nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo của tất cả các cơ sở đào tạo đại học luật và Học viện Quan hệ quốc tế ở nước ta; xây dựng chương trình giảng dạy kiến thức cơ bản về pháp luật các nước ASEAN trong chương trình đào tạo cử nhân, bảo đảm giáo trình, tài liệu cho người học; Thành lập tổ chức chuyên trách (Trung tâm nghiên cứu, khoa hoặc bộ môn pháp luật ASEAN) tuỳ vào điều kiện và nhu cầu của từng cơ sở đào tạo để thực hiện nghiên cứu và giảng dạy pháp luật các nước ASEAN.

-         Giai đoạn 2011 – 2020: hoàn thiện chương trình giảng dạy kiến thức cơ bản về pháp luật ASEAN trong chương trình đào tạo cử nhân; xây dựng và hoàn thiện các chương trình giảng dạy kiến thức chuyên sâu về pháp luật các nước ASEAN dành cho chương trình đào tạo cử nhân ngành luật các nước ASEAN và cử nhân chuyên ngành luật quốc tế; xây dựng và hoàn thiện các chương trình giảng dạy kiến thức chuyên sâu về pháp luật các nước ASEAN dành cho các chuyên gia pháp luật, nhà quản lý, nhà kinh doanh và các đối tượng khác có nhu cầu.

Nội dung chương trình giảng dạy pháp luật các nước ASEAN được đề án đề cập đến bao gồm: các nhóm kiến thức về pháp luật các nước ASEAN cần trang bị cho người học (Pháp luật cộng đồng ASEAN, so sánh pháp luật các nước ASEAN, hệ thống pháp luật của từng nước ASEAN); các kiến thức về pháp luật các nước ASEAN được đưa vào chương trình đào tạo cử nhân, đào tạo và bồi dưỡng chuyên gia về pháp luật các nước ASEAN, đào tạo và bồi dưỡng theo nhu cầu.

Để đề án có thể được thực hiện trong thực tế, Ban Xây dựng đề án đưa ra các giải pháp chủ yếu gồm: xây dựng và hoàn thiện các VBPL tạo cơ sở pháp lý nhằm đưa việc giảng dạy pháp luật các nước ASEAN vào các chương trình của các sơ sở đào tạo; xây dựng đội ngũ giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lý về pháp luật các nước ASEAN; kiện toàn, củng cố các tổ chức chuyên trách thực hiện việc nghiên cứu và giảng dạy pháp luật các nước ASEAN; tổ chức triển khai các đề án nghiên cứu về pháp luật các nước ASEAN; hợp tác và hội nhập quốc tế.

Mặc dù cho đến nay, các đơn vị được mời đóng góp ý kiến về dự thảo đề án đều nhất trí với nội dung của dự thảo 9 của đề án, song vẫn còn nhận được một số ý kiến chưa đồng tình, đặc biệt là về tên gọi của đề án; nội dung và chương trình giảng dạy pháp luật các nước ASEAN; mức độ và hình thức đào tạo, bồi dưỡng; cơ chế tổ chức. Có một số ý kiến cho rằng cần xem xét tính cần thiết và khả thi của việc thực thi đề án vì ngoài pháp luật ASEAN còn có pháp luật của nhiều tổ chức khác như EU, WTO… cũng cần được nghiên cứu, phục vụ cho quá trình hội nhập của nước ta hiện nay và trong tương lai. Bên cạnh đó, theo TS. Lê Hồng Hạnh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp), chưa có nước nào trong Cộng đồng ASEAN thực hiện giảng dạy pháp luật các nước ASEAN, trong khi trang bị kiến thức pháp luật từng nước để phục vụ cho công tác giảng dạy việc rất khó. Vì thế, TS. Lê Hồng Hạnh cho rằng, đề án được chuẩn bị rất công phu nhưng còn một số vấn đề cần xem xét, trong đó có cả vấn đề có cần thiết phải thực hiện biện pháp hoàn thiện văn bản pháp luật để đưa pháp luật ASEAN vào giảng dạy tại các cơ sở đào tạo luật và học viện quan hệ quốc tế đã được đưa ra trong đề án hay không.

TS.Nguyễn Thanh Tâm – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật châu Á – Thái Bình Dương (Đại học Luật Hà Nội) cũng đã có ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như sự cần thiết đưa nội dung pháp luật ASEAN vào chương trình giảng dạy vì trong thực tế, vấn đề này cũng đã được đề cập đến tại các cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN dù chưa có kết luận thực thi cuối cùng.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện đề án “Đưa việc giảng dạy pháp luật các nước ASEAN vào chương trình của các cơ sở đào tạo đại học luật và Học viện Quan hệ quốc tế” để đưa đề án vào thực hiện được trong thực tế như một chuyên đề có ý nghĩa do Bộ Tư pháp xây dựng. Với tư cách cá nhân, Bộ trưởng đã khen ngợi việc xây dựng, hoàn thiện đề án đã có sự tiếp thu ý kiến chỉ đạo, đóng góp, nhất quán mới quan điểm chỉ đạo đã đưa ra khi xây dựng đề án. Theo Bộ trưởng, về khía cạnh khu vực, đạo tạo về pháp luật các nước ASEAN rất quan trọng, nhất là sau những chuyển biến có tính bước ngoặt của ASEAN (thông qua Hiến chương ASEAN, chuyển từ “Hiệp hội” lên “cộng đồng”, từ “hợp tác” lên “hội nhập”) cũng như vị thế của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN. Bộ trưởng cũng lưu ý Ban Xây dựng đề án về tíên trình thực hiện các mục tiêu của đề án. Theo đó, ở giai đoạn 1 chỉ cần đảm bảo để các cử nhân luật và những người quan tâm có kiến thức nhất định về pháp luật ASEAN, còn việc đào tạo chuyên sâu và mở thêm mã ngạch mới (đào tạo pháp luật ASEAN) thì cần phải tiến hành vào giai đoạn 2015 – 2020 để có sự chuẩn bị chu đáo và đầy đủ. Bộ trưởng đã đề nghị Ban Xây dựng đề án tiếp tục tiếp tục những đóng góp của các cơ quan, tổ chức có liên quan và nhanh chóng chỉnh sửa, hoàn thiện đề án.

Dự kiến, đề á sẽ được trình để Ban Bí thư TW Đảng xem xét, cho ý kiến vào ngày 18/12./.

Hương Giang