Ngày 9/3, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thống nhất trong cả nước kỳ 2014-2018 để quán triệt nội dung Kế hoạch và tập huấn kỹ năng hệ thống hóa cho cán bộ pháp chế các bộ, ngành và 25 tỉnh, thành khu vực phía Bắc. Đây là Kế hoạch được ban hành kèm theo Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 25/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Giúp làm “sạch” hệ thống VBQPPL
Cùng với hoạt động giám sát, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật thì việc rà soát, hệ thống hóa văn bản được coi là một trong các công cụ hữu hiệu góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch, giúp làm “sạch” hệ thống VBQPPL, đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật ở nước ta. Thông qua hoạt động này, các văn bản, quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp được các cơ quan rà soát phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời. Kết quả rà soát, hệ thống hóa VBQPPL cũng góp phần tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, tra cứu, áp dụng và thực hiện pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế vì mục tiêu chung xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Hoạt động hệ thống hóa văn bản thống nhất trong cả nước lần đầu tiên được thực hiện cho kỳ 2009 - 2013 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Để triển khai kỳ hệ thống hóa văn bản kỳ đầu tiên thống nhất trong cả nước, Bộ Tư pháp (với tư cách là cơ quan được Chính phủ giao giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản) đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp thực hiện. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác hệ thống VBQPPL nên đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ này tích cực, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu. Thông qua kết quả hệ thống hóa, bức tranh toàn cảnh về hệ thống VBQPPL được phản ánh tương đối đầy đủ. Các bộ đã rà soát, hệ thống hóa 7.981 văn bản còn hiệu lực; 5.996 văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc hết hiệu lực một phần; 1.313 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới. UBND cấp tỉnh đã rà soát, hệ thống hóa 21.578 văn bản còn hiệu lực; 15.558 văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc hết hiệu lực một phần; 4.575 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới. Sau khi hệ thống hóa văn bản, các cơ quan đã chủ động thực hiện xử lý các bất cập, hạn chế của hệ thống pháp luật được phát hiện trong quá trình thực hiện hệ thống hóa văn bản.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Bộ Tư pháp nhận thấy vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong việc triển khai hệ thống hóa văn bản kỳ đầu tiên thống nhất trong cả nước. Chẳng hạn như thời gian công bố và báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản chưa được bảo đảm theo đúng quy định; hoạt động hệ thống hóa văn bản mới chỉ được triển khai tại các cơ quan trong phạm vi Chính phủ, thiếu sự kết nối triển khai với các cơ quan ngoài phạm vi Chính phủ…
Sẽ nghiêm khắc đối với các trường hợp chậm công bố kết quả
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế của kỳ hệ thống hóa đầu tiên, bảo đảm việc triển khai hệ thống hóa văn bản kỳ 2014-2018 được thống nhất, đồng bộ, chất lượng, hiệu quả trong phạm vi cả nước, hướng đến mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, vừa qua, Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 126/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thống nhất trong cả nước kỳ 2014-2018.
|
|
Theo đó, Kế hoạch số 126 đã xác định cụ thể đối tượng, phạm vi hệ thống hóa văn bản kỳ 2014-2018; nội dung các công việc; thời hạn, tiến độ hoàn thành; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện hệ thống hóa văn bản thống nhất trong cả nước kỳ 2014-2018; bảo đảm công bố đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực, giúp công tác xây dựng, áp dụng, thi hành pháp luật được hiệu quả, thuận tiện, tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật. Đồng thời, Kế hoạch số 126 cũng xác định cơ chế phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan trong việc tổ chức thực hiện hệ thống hóa văn bản thống nhất trong cả nước kỳ 2014-2018, đặc biệt là việc phối hợp giữa Bộ Tư pháp với TANDTC, VKSNDTC. Kiểm toán Nhà nước
.
Tại Hội nghị triển khai Kế hoạch, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) Đồng Ngọc Ba nhấn mạnh, Kế hoạch 126 do đích thân Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đã thể hiện sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ và tầm quan trọng của công tác này. Rút kinh nghiệm một số vấn đề của hệ thống hóa văn bản kỳ đầu tiên, ông Ba lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần ban hành kế hoạch của cơ quan mình để triển khai công việc đúng tiến độ, không tái diễn việc công bố kết quả hệ thống hóa chậm thời hạn như kỳ trước. “Chúng tôi sẽ kiến nghị nghiêm khắc đối với các trường hợp công bố chậm” – ông Ba nói.
Bên cạnh việc quán triệt, nắm bắt đầy đủ các nội dung của Kế hoạch số 126, các đại biểu cũng được tập huấn về kỹ năng thực hiện hệ thống hóa văn bản kỳ 2014-2018. Các đại biểu đã tập trung, trao đổi, thảo luận những vấn đề cần triển khai trong thời gian tới, các vấn đề còn vướng mắc, khó khăn, kinh nghiệm triển khai trong quá trình thực hiện hệ thống hóa văn bản kỳ đầu tiên. Từ đó đề xuất giải pháp, xử lý kịp thời, giúp việc triển khai nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản kỳ 2014-2018 tại các cơ quan đạt hiệu quả cao, thiết thực góp phần vào công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong tra cứu, áp dụng và thực hiện pháp luật.
H.Thư