Nghiệm thu đề tài khoa học về bảo vệ môi trường

20/01/2018
Sáng 19/1, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Cương đã chủ trì Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ bảo vệ môi trường về “Đánh giá thực trạng pháp luật và tác động của cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực môi trường” do TS Võ Đình Toàn làm chủ nhiệm. Nhiệm vụ này được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt tại Quyết định số 293/QĐ-BTP, được triển khai trong 2 năm 2016 – 2017.

Theo báo cáo, trong thời gian qua, việc thực hiện chủ trương, chính sách và quy định pháp luật về TTHC, cải cách và kiểm soát TTHC trong lĩnh vực môi trường đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể là, cơ chế, chính sách, các quy định TTHC từng bước được hoàn thiện, đơn giản hóa, một số TTHC không phù hợp đã được bãi bỏ, quy trình, thời gian giải quyết TTHC được công khai, rõ ràng, giản lược; hoàn thiện, nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong lĩnh vực môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ thủ tục, rút ngắn quy trình, thời gian cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, đã duy trì việc tiếp nhận và xử lý các phản ánh về TTHC để hoàn thiện TTHC, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện, giải quyết TTHC tại cơ quan có thẩm quyền, xử lý các cơ quan, tổ chức tự ý quy định thêm TTHC, thành phần hồ sơ. Ngành Tài nguyên và môi trường đã tăng cường lắng nghe, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về các quy định hành chính và thực thi TTHC tại các địa phương, nâng cao hiệu quả các đợt giao lưu trực tuyến, đối thoại về TTHC và giải quyết vướng mắc trong thực hiện TTHC cho người dân, doanh nghiệp… Kết quả trên đáp ứng cơ bản mục tiêu quản lý nhà nước cũng như tạo điều kiện thuận lợi, rõ ràng, minh bạch và giảm chi phí tuân thủ TTHC cho tổ chức, cá nhân, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, thuận lợi thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, quy định của pháp luật hiện hành về TTHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập; thực tiễn thi hành TTHC, cải cách và kiểm soát TTHC cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Đáng chú ý là sự gia tăng số lượng TTHC, nội dung TTHC thiếu hoàn chỉnh; TTHC được thực hiện không nghiêm. Công tác phối hợp liên ngành, liên thông giữa các địa phương trong việc giải quyết các TTHC trong lĩnh vực môi trường chưa thực sự bài bản, nền nếp và hiệu quả chưa cao, thậm chí việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông còn chồng chéo. Việc đánh giá tác động và lấy ý kiến đơn vị kiểm soát TTHC đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC chưa được tiến hành đầy đủ, nghiêm túc. Việc thẩm định quy định TTHC trong một số văn bản quy phạm chưa chặt chẽ dẫn đến nhiều TTHC còn phức tạp và tiếp tục là rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân.
Với chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được quy định là cơ quan đầu mối trong công tác xây dựng pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm soát TTHC, Bộ Tư pháp có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có các quy định pháp luật về TTHC, đánh giá tổng thể hiệu quả, tác động quá trình cải cách TTHC để từ đấy hoàn thiện cơ chế pháp lý về TTHC trong lĩnh vực môi trường…
Chủ tịch Hội đồng và các thành viên nhất trí đánh giá cao những đóng góp hữu ích của đề tài này. Bên cạnh đó, Hội đồng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong báo cáo phúc trình của đề tài như chưa chỉ rõ cải cách thủ tục ở khâu nào, đánh giá tác động của cải cách hành chính đối với công tác bảo vệ môi trường còn mờ nhạt… Trên cơ sở đó, Hội đồng yêu cầu Ban Chủ nhiệm tiếp tục hoàn thiện, bổ sung thêm một số nhận đinh, khắc phục một số lỗi kỹ thuật diễn đạt để công bố, chuyển giao cho cơ quan thụ hưởng, giúp gia tăng ý nghĩa của nhiệm vụ này.
H.Thư