Được sự ủy quyền của Chủ tịch nước, từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 1 năm 2018 tại Hà Nội, Đoàn đàm phán liên ngành cấp Nhà nước do ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế làm trưởng Đoàn đã đàm phán Vòng 1 Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hungary.
Tham gia Đoàn đàm phán liên ngành gồm đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp. Đoàn đàm phán của Hungary do Tiến sĩ Zoltán Nemessányi, Phó Quốc Vụ khanh, Bộ Tư pháp Hungary làm Trưởng đoàn.
Việt Nam và Hung-ga-ri đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự năm 1985 (Hiệp định năm 1985). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp dân sự giữa hai nước. Nhiều yêu cầu tương trợ tư pháp giữa hai nước đã được thực hiện, bao gồm cả yêu cầu tống đạt giấy tờ, thu thập chứng cứ, công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, trao đổi thông tin pháp luật và cung cấp giấy tờ hộ tịch. Việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp này đã góp phần rút ngắn thời gian và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xét xử các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài; góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân của hai nước.
Tuy vậy, Hiệp định năm 1985 đã được ký kết và thực hiện trên 30 năm và điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả tương trợ tư pháp về hình sự, tương trợ tư pháp về dân sự, hoạt động dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù. Hiện nay, bối cảnh kinh tế, xã hội cũng như pháp luật hai nước đã có thay đổi rất nhiều. Chính vì vậy, nhằm hiện đại hóa các quy định của Hiệp định năm 1985, trong thời gian qua, các cơ quan đầu mối tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao của hai Bên đã trình các cấp có thẩm quyền đàm phán, ký các hiệp định tương trợ tư pháp (TTTP) trong từng lĩnh vực, thay thế cho các quy định tương ứng tại Hiệp định năm 1985. Cụ thể, ngày 13/3/2016, hai nước đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, có hiệu lực ngày 30/6/2017; Hiệp định Dẫn độ và Hiệp định chuyển giao người chấp hành hình phạt tù cùng được ký ngày 16/9/2013, có hiệu lực kể từ ngày 30/6/2017. Hiện nay, Hiệp định năm 1985 chỉ còn lại các quy định về TTTP trong lĩnh vực dân sự. Nội dung TTTP về dân sự bao gồm cả các vấn đề xung đột pháp luật trong lĩnh vực dân sự; bản thân các quy định về thực hiện ủy thác tư pháp (UTTP) về dân sự cũng có nhiều bất cập với các quy định mới của pháp luật Việt Nam về TTTP và các luật chuyên ngành như Bộ luật dân sự năm 2015, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án và Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/10/2016 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao quy định về trình tự, thủ tục TTTP trong lĩnh vực dân sự. Trong bối cảnh đó, việc đàm phán Hiệp định TTTP riêng về dân sự để thay thế Hiệp định năm 1985 nhằm hài hòa hóa cơ sở pháp lý cho hợp tác TTTP về dân sự giữa các cơ quan có thẩm quyền của hai nước và cùng với 3 Hiệp định TTTP về hình sự, dẫn độ và chuyển giao đã được ký kết sẽ góp phần đồng bộ hóa cơ sở pháp lý toàn diện cho hợp tác TTTP trong cả 4 lĩnh vực giữa hai nước.
Với mong muốn sớm ký kết Hiệp định TTTP mới thay thế Hiệp định năm 1985, Đoàn đàm phán 2 Bên đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao trong không khí thân thiện, cởi mở. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán, hai Bên đã cùng nhau chia sẻ, cung cấp thông tin pháp luật và thực tiễn cơ chế thực hiện TTTP của mỗi nước. Kết thúc đàm phán Vòng 1 Hiệp định, hai Đoàn đã thống nhất được những nội dung quan trọng như phạm vi TTTP về dân sự, các nguyên tắc chung, thủ tục tống đạt giấy tờ và thu thập chứng cứ. Đồng thời, hai Trưởng Đoàn đã ký Biên bản và dự kiến sẽ tiếp tục đàm phán Vòng 2 Hiệp định trong năm 2018.