Ngày 26/10, được sự hỗ trợ của Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 – 2020, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đối thoại về những vấn đề pháp lý phát sinh qua hoạt động pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Bộ pháp điển sẽ lan tỏa được giá trị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba cho biết, trong 20 qua, chúng ta đạt được nhiều thành công trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật, trọng tâm là pháp luật kinh tế. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật vẫn còn nhiều bất cập mà một giải pháp khắc phục mới nhất chính là pháp điển. Qua pháp điển, hàng chục nghìn văn bản quy phạm cấp Trung ương (trừ Hiến pháp) trở thành 1 văn bản duy nhất là Bộ pháp điển điện tử bao gồm với 45 chủ đề, 265 đề mục, trong đó đề mục Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Thấu hiểu nhu cầu được biết trọn vẹn 1 vấn đề được quy định ở đâu của những người áp dụng pháp luật nhưng ông Ba cho rằng, kỹ thuật lập pháp hiện hành đa phần chưa làm được như vậy, dẫn đến khó khăn cho người đọc. Cụ thể, đối với đề mục Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 và 23 văn bản hướng dẫn từ Nghị định, Thông tư, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cùng hàng trăm các văn bản khác liên quan như Luật Hải quan, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn, các quy định về quản lý ngoại thương… Tuy nhiên, bằng kỹ thuật pháp điển, các quy phạm trong lĩnh vực này và hàng trăm lĩnh vực khác sẽ được sắp xếp để dễ tiếp cận, dễ đọc, dễ hiểu, đặc biệt là để hiểu thống nhất.
Do đó, theo ông Ba, những quy định đưa vào Bộ pháp điển phải là những quy định còn hiệu lực. Đáng chú ý là về mặt nguyên tắc, chúng là những quy phạm “sạch” vì trước khi pháp điển đã trải qua quá trình rà soát kỹ lưỡng, về cơ bản không có vấn đề về tính hợp hiến, hợp pháp, nhất là thông tư, nếu phát hiện ra những quy định không phù hợp, chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí trái pháp luật thì phải xử lý để bảo đảm nguyên tắc Nhà nước pháp quyền, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Với kết quả pháp điển này, mong muốn lớn nhất của ông Ba là Bộ pháp điển sẽ dần dần trở nên quen thuộc, lan tỏa được giá trị ra xã hội và đến một lúc nào đó, người dân, các cơ quan, tổ chức sẽ dùng Bộ pháp điển thay vì đọc các văn bản nguồn.
Bảo đảm các quy định về một vấn đề không bị “vênh”
Giới thiệu về Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016, đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính) đã điểm lại rất nhiều nội dung mới của Luật và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP. Từ khi có hiệu lực thi hành đến nay, Luật đã tạo cơ sở pháp lý để xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, là hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện thông suốt các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, đồng thời giúp các cơ quan nhà nước trong thực hiện cải cách hành chính, từng bước cắt giảm thuế theo lộ trình cam kết song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia; thực hiện cơ chế quản lý thuế hiện đại theo nguyên tắc người nộp thuế tự khai, tự tính, tự nộp thuế, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tuy nhiên, một số ý kiến tại Hội nghị thẳng thắn phản ánh, theo quy định của pháp luật và thực tiễn tổ chức thi hành vẫn còn những vướng mắc phát sinh. Điển hình như bất cập của pháp luật trong hướng dẫn việc phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng kem trị mụn trứng cá (thuế nhập khẩu rất khác nhau khi phân loại kem trị mụn trứng cá là dược phẩm hay mỹ phẩm); hay bất cập trong việc lấy các ví dụ tại hướng dẫn của Bộ Tài chính về thuế dẫn đến hiểu và áp dụng không đúng quy định, thậm chí ban hành công văn có chứa quy phạm pháp luật (trong vụ việc liên quan đến hàng hóa có trị giá tài nguyên khoáng sản có chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên thì lấy ví dụ là clinker xi măng).
|
|
Trên cơ sở đó, các đại biểu đề nghị các cơ quan nhà nước trong quá trình tham mưu xây dựng pháp luật trong nước cũng như phục vụ tiến hành đàm phán các điều ước quốc tế cần tiến hành rà soát các quy định của pháp luật hiện hành ở tất cả các lĩnh vực có liên quan, bảo đảm không “vênh” giữa các quy định, các thỏa thuận về cùng một vấn đề. Việc này không chỉ giúp thuận tiện trong việc triển khai thi hành pháp luật trên thực tế mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia hoạt động đầu tư, thương mại, thu hút đầu tư từ nước ngoài trong bối cảnh đất nước tham gia nhiều hiệp định thương mại trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là việc làm thiết thực góp phần vào thành công của công tác pháp điển đối với đề mục Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nói riêng và Bộ pháp điển nói chung.
H.Thư