Sáng ngày 09/10/2017, Đoàn công tác liên ngành (Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường) do đồng chí Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi THPL được sự ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại UBND tỉnh Hà Tĩnh. Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Dương Tất Thắng - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp, các Sở, Ban, ngành, đoàn thể có liên quan và Lãnh đạo một số UBND cấp huyện thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Trong thời gian qua, công tác hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp được Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh, các Sở, ban, ngành quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện. Tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức và bảo đảm nguồn lực để thi hành các quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp thành lập mới được Tỉnh hỗ trợ 100% lệ phí đăng ký, phí công bố nội dung kinh doanh, phí khắc dấu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được hỗ trợ chi phí làm biển hiệu (500.000 đồng), phần mềm kế toán doanh nghiệp (2.000.000 đồng), hỗ trợ 100% thuế môn bài cho các doanh nghiệp thành lập mới trong năm đầu hoạt động… Đến nay, Sở Tài chính đã cấp phát đầy đủ, kịp thời các danh mục hỗ trợ với tổng kinh phí 3.825.500.000 đồng. Tỉnh Hà Tĩnh cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, khai thác nguồn vốn. Hệ thống ngân hàng thương mại đã triển khai các gói tín dụng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp với 21.0000 tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục hành chính, về tiếp cận, khai thác các nguồn lực về khoa học kỹ thuật, về nhân lực, đất đai… Tuy nhiên, đánh giá khách quan cho thấy, sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với các chính sách hỗ trợ chưa thực sự triệt để; số lượng hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện chuyển thành doanh nghiệp chưa nhiều; ảnh hưởng bởi thiên tai và sự cố môi trường biển dẫn đến sự phân bổ ngân sách cho các Quỹ đầu tư, Quỹ hỗ trợ chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu; việc phối hợp còn thiếu nhuần nhuyễn dẫn đến một số chính sách chưa kịp thời; công tác tuyên truyền chưa tạo được sự lan toả của các chính sách đến các vùng, miền…
Trên cơ sở ý kiến phát biểu, trao đổi, giải đáp của các thành viên Đoàn công tác, phát biểu kết luận, đồng chí Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi THPL khẳng định UBND tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua đã quan tâm, chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cơ bản đạt yêu cầu đề ra. Trong thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục lựa chọn nhóm doanh nghiệp theo lĩnh vực đăng ký để tổ chức theo dõi, kịp thời hỗ trợ, cũng như triển khai quyết liệt các giải pháp khắc phục hạn chế, vướng mắc đã được nêu tại cuộc họp để thực hiện tốt hơn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác liên ngành đã tiến hành khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đoàn công tác đã làm việc với đại diện Cụm Công nghiệp Thái Yên (huyện Đức Thọ) và Công ty TNHH Phần mềm Phi Long (TP Hà Tĩnh) là 02 trong số những đơn vị kinh doanh của tỉnh Hà Tĩnh tiên phong trong lĩnh vực xã hội hoá đầu tư cụm công nghiệp và thúc đẩy sản xuất phần mềm tin học, cũng như đã nhận được các chính sách ưu đãi của tỉnh dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp thời gian qua.
Một số kiến nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh và của 02 doanh nghiệp tại buổi làm việc đã được Đoàn công tác tiếp nhận, giải thích và tổng hợp, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp./.
Cục Quản lý XLVPHC và Theo dõi THPL