Trao đổi về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong Luật đầu tư 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2016)

28/09/2017
Trao đổi về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong Luật đầu tư 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2016)
Thực hiện Kế hoạch năm 2017 của Bộ Tư pháp, Ban Chỉ đạo Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (gọi là Chương trình 585), ngày 27/9/2017, Ban Quản lý Chương trình 585 phối hợp Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp tổ chức “Tọa đàm trao đổi về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong Luật Đầu tư năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 04 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư và các Luật chuyên ngành”. Ông Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình 585 chủ trì và điều hành Tọa đàm với sự tham dự của các Bộ, ban, ngành liên quan, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các cơ quan báo đài đưa tin về Tọa đàm.
Trao đổi về điều kiện đầu tư, kinh doanh, với tư cách là đại diện cho cơ quan xây dựng, rà soát về chính sách điều kiện đầu tư, kinh doanh, Ông Quách Ngọc Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc rà soát điều kiện đầu tư, kinh doanh là trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ phải thực hiện hàng năm hoặc theo yêu cầu quản lý. Theo Ông Quách Ngọc Tuấn, nội dung rà soát bao gồm: (i) đánh giá tình hình thực hiện; (ii) đánh giá hiệu lực hiệu quả của việc thực hiện các điều kiện đầu tư, kinh doanh và vướng mắc phát sinh; (iii) đánh giá thay đổi về điều kiện kinh tế - xã hội, kỹ thuật, công nghệ, yêu cầu quản lý và điều kiện khác ảnh hưởng đến việc thực hiện điều kiện đầu tư, kinh doanh; (iv) đề xuất sửa đổi, bổ sung ngành nghề nếu có. Theo trình bày của Ông Quách Ngọc Tuần thì tính đến đầu năm 2017 thì các Bộ, ngành có nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh như Ngành Công thương (1152 điều kiện kinh doanh), Ngành Giao thông, vận tải (517 điều kiện kinh doanh)… trong đó, Ngành Tư pháp (64 điều kiện kinh doanh) có ít điều kiện kinh doanh nhất trong số 15 ngành được thống kê.
Đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đánh giá cao việc rà soát, cắt giảm các điều kiện về đầu tư, kinh doanh của các cơ quan trong thời gian qua, việc thực hiện vấn đề này đảm bảo đúng yêu cầu Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam là “mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm”, thể hiện tính minh bạch cao, tư duy quản lý tiên tiến. Trong thời gian qua, với những kết quả nổi bật của Luật Đầu tư năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư thì chúng ta đã bãi bỏ được hàng ngàn giấy phép con, góp phần cởi trói cho doanh nghiệp và tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp, tuy nhiên, theo Ông Nguyễn Văn Toàn thì đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam là khá tốt nhưng chưa phải là môi trường đầu tư kinh doanh chất lượng cao đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đây chính là vấn đề đặt ra đối với các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam và các nhà làm luật, vì vậy, việc bãi bỏ, cắt giảm cá điều kiện đầu tư, kinh doanh một cách mạnh mẽ như Bộ Công thương khởi xướng đã “nhóm lên ngọn lửa cách mạng nhằm đốt cháy sự kìm hãm phát triển của các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh hiện nay ở Việt Nam”, tiếp thêm luồng gió mới cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Đơn vị được giao nghiên cứu về vấn đề này tại Việt Nam cho rằng, bản thân khái niệm về “điều kiện đầu tư, kinh doanh” ở Việt Nam cũng rất mơ hồ và phức tạp, khái niệm về “ngành nghề kinh doanh” và “ngành nghề kinh doanh có điều kiện” cũng đã có sự khác biệt về tiêu chí, cách phân loại và mục tiêu gây khó khăn cho doanh nghiệp khi hiểu và áp dụng. Theo Ông Phan Đức Hiếu, việc rà soát và sửa đổi các quy định pháp luật là nhiệm vụ rất quan trọng, nó cần phải được thực hiện sớm để có thể thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giảm thiểu rủi ro pháp luật, để thực hiện được việc này cần có một phát minh gọi là “quy trình cắt xén pháp luật” mà Thụy Điển là nước tiên phong, tiếp sau đó là Mexico, Hungary, Hàn Quốc… nhằm loại bỏ những rào cản cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, các quy định được tích lũy từ một hệ thống có quá nhiều cơ quan ban hành quy định và được kiểm soát tất yếu đồng nghĩa với việc Chính phủ không biết họ đang yêu cầu công dân mình phải làm gì, theo đó, khi ban hành các quy định liên quan đến doanh nghiệp, nếu không được đăng ký thì đương nhiên sẽ không có hiệu lực thi hành, các quy định sửa đổi, bổ sung cũng phải được đăng ký chậm nhất một ngày sau khi ban hành, cách làm này được coi là rất thành công ở Thụy Điển khi thực hiện. Ở Việt Nam cần có một cơ quan độc lập để thực hiện về rà soát và cắt xén thì mới đảm bảo hiệu quả và góp phần giúp các doanh nghiệp hạn chế các rủi ro trong kinh doanh.
TS. Nguyễn Am Hiểu, Khoa luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, khái niệm “đầu tư, kinh doanh” là khái niệm “bị đánh tráo”, cái này được bàn chi tiết gọi là Nhà nước can thiệt vào các hoạt động kinh doanh như thế nào là hợp lý trong phát triển kinh tế thị trường, chúng ta cần nhận diện đúng và can thiệp một cách hợp lý đối với từng hoạt động cụ thể trên cơ sở đặc thù của hoạt động đấy.
Đại diện Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã trao đổi một số hành động của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn góp phần cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư, kinh doanh, nhất là việc ngày 20/9/2017 vừa qua, Bộ Công thương đã quyết định cắt giảm 527 điều kiện (Bước 1: kinh doanh thực phẩm), 675 điều kiện (Bước 2 trong kinh doanh thực phẩm theo hướng quy chuẩn hóa, tiêu chuẩn hóa) điều kiện kinh doanh do Bộ Công thương quản lý và đã được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Bế mạc Tọa đàm, Ông Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đánh giá cao các ý kiến trao đổi của các bộ, ngành và các chuyên gia tại Tọa đàm, với tư cách là Bộ Tư pháp trong việc góp ý, thẩm định các quy định pháp luật thì trong thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục rà soát và cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh không cần thiết gây cản trở hoạt động của nhà đầu tư, doanh nghiệp, thông qua việc tiếp tục triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 (khoản 3 Điều 14) sắp tới có hiệu lực từ 01/01/2018 sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm thiểu rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Việt Nam./.
Trần Minh Sơn
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp