Thực hiện nhiệm vụ xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi (dự thảo Nghị định), ngày 06/9/2017, Cục Bồi thường nhà nước tiếp tục tổ chức cuộc họp lần thứ hai của Tổ biên tập dự thảo Nghị định. Cuộc họp do đồng chí Nguyễn Văn Bốn, Phó trưởng ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước chủ trì. Cuộc họp có sự tham gia của đồng chí Đinh Trung Tụng - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp và các thành viên Tổ biên tập đại diện cho: Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp bao gồm: Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Thanh tra Bộ, Tổng cục Thi hành án dân sự, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Cục Kiểm tra văn bản; các Lãnh đạo, công chức, viên chức của Cục Bồi thường nhà nước.
Tại cuộc họp, thay mặt thường trực Tổ biên tập, đồng chí Nguyễn Văn Bốn, Phó trưởng ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập đã phát biểu khai mạc cuộc họp. Đồng chí Lê Thái Phương, Trưởng phòng Chính sách pháp luật đã báo cáo về nội dung dự thảo Nghị định và trên cơ sở gợi ý của đồng chỉ chủ trì, các đại biểu tham dự cuộc họp đã thảo luận, cho ý kiến về nội dung dự thảo Nghị định. Cuối buổi họp, đồng chí Nguyễn Văn Bốn đã kết luận như sau:
Thứ nhất, đa số ý kiến của thành viên Tổ biên tập đánh giá cao sự chủ động của Thường trực Tổ biên tập trong công tác xây dựng và chuẩn bị tài liệu cuộc họp. Trong thời gian ngắn, Thường trực Tổ biên tập đã có dự thảo Nghị định đầy đủ và chi tiết.
Thứ hai, thành biên Tổ biên tập nhất trí cao về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định và thống nhất cho rằng Thường trực Tổ biên tập đã xây dựng dự thảo Nghị định bám sát các định hướng, chỉ đạo của Ban soạn thảo.
Thứ ba, tại cuộc họp, có 13 ý kiến của thành viên Tổ biên tập góp ý về các nội dung của dự thảo Nghị định. Ngay sau buổi họp, Thường trực Tổ biên tập sẽ xem xét các ý kiến góp ý của thành viên Tổ biên tập để chỉnh lý dự thảo Nghị định. Thường trực Tổ biên tập sẽ tiếp thu những ý kiến có thể tiếp thu ngay, đối với những ý kiến cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, Thường trực sẽ làm rõ hơn trong bản thuyết minh xây dựng Nghị định.
Thứ tư, sau cuộc họp, Thường trực Tổ biên tập sẽ cố gắng hoàn thiện một bước dự thảo Nghị định để gửi cho thành biên Tổ biên tập tiếp tục cho ý kiến góp ý. Trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến của thành viên Tổ biên tập, Thường trực sẽ xây dựng báo cáo gửi Trưởng Ban soạn thảo để xin ý kiến chỉ đạo.
Cuộc họp kết thúc vào hồi 11h30 cùng ngày./.
Nguồn: Cục Bồi thường nhà nước.
Tác giả: Đỗ Việt Anh.