Nỗ lực rút ngắn thời gian thi hành án dân sự và nâng cao hiệu quả phá sản doanh nghiệp

30/06/2017
Nỗ lực rút ngắn thời gian thi hành án dân sự và nâng cao hiệu quả phá sản doanh nghiệp
Từ ngày 27/6 đến ngày 30/6/2017, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tổng cục thi hành án dân sự Bộ Tư pháp; Toà án nhân dân tối cao; chuyên gia và cán bộ Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện - USAID GIG đã tiến hành khảo sát, đánh giá, tìm hiểu thực trạng hoạt động thi hành án trong giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản doanh nghiệp; đồng thời, trao đổi những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thực hiện quy định, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản doanh nghiệp, từ đó nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị về hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cách thức thực hiện thi hành án nhằm đạt mục tiêu rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản doanh nghiệp đã được đề ra tại các Nghị quyết số 19 của Chính phủ.

Đoàn đã tiến hành khảo sát tại Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng, Tòa án nhân dân quận Liên Chiểu, Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng, Chi cục Thi hành án dân sự quận Liên Chiểu; Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân quận 3, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, Chi cục Thi hành án dân sự quận 3, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thành phố Hồ Chí Minh; Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương, Tòa án nhân dân thị xã Thuận An, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Thuận An, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Bình Dương và các công ty luật Rajah & Tann LCT Lawyers và Công ty luật Nghiêm & Chính.
Được biết, để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã liên tục ban hành 04 Nghị quyết số 19 (ngày 18/3/2014, ngày 12/3/2015, ngày 28/4/2016 và ngày 06/02/2017). Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra của Nghị quyết dựa trên cách tiếp cận đánh giá môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới, trong đó có 2 chỉ tiêu quan trọng là “Giải quyết tranh chấp hợp đồng” và “Phá sản doanh nghiệp”.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, thời gian giải quyết tranh chấp của các tòa án tại Việt Nam năm 2016 là 400 ngày, trong đó thụ lý của tòa án là 50 ngày, xét xử và phán quyết là 200 ngày và thực thi phán quyết của tòa án là 150 ngày. Thứ hạng thời gian thực thi phán quyết của tòa án tại Việt Nam trong khối các quốc gia ASEAN như sau: Singapore: 40 ngày, Brunei: 90 ngày, Thái Lan: 120 ngày, Malaysia: 120 ngày, Lào: 135 ngày, Việt Nam: 150 ngày, Campuchia: 170 ngày, Indonesia: 180 ngày,  Myanmar: 180 ngày, Philipines: 204 ngày. Điều đáng lưu ý là thời gian thi hành phán quyết của tòa án từ năm 2010 đến nay không có bất cứ thay đổi, cải thiện nào (150 ngày).
Theo nhận định của Ngân hàng thế giới, một hệ thống phá sản thiết thực sẽ có chức năng như bộ lọc bảo đảm việc duy trì các công ty có hiệu quả kinh tế và tái phân phối các nguồn lực đối với các công ty hoạt động thiếu hiệu quả. Thủ tục phá sản nhanh và tiết kiệm sẽ nhanh chóng mang các hoạt động đầu tư kinh doanh quay trở lại bình thường và tăng tiền thu hồi cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo đánh giá, hiệu quả phá sản doanh nghiệp của Việt Nam còn khá khiêm tốn, xếp hạng 125/190 nền kinh tế và ở vị trí thứ 8/10 quốc gia ASEAN (trước Myanmar và Lào)./.
                                                Ths. Nguyễn Xuân Tùng
                             Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự