Công tác tư pháp KV phía Nam khắc phục khó khăn về biên chế để hoàn thành các nhiệm vụ được giao

20/06/2017
Công tác tư pháp KV phía Nam khắc phục khó khăn về biên chế để hoàn thành các nhiệm vụ được giao
Ngày 16/6/2017, Cục Công tác phía Nam đã phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận tổ chức Tọa đàm về công tác tổ chức cán bộ của các cơ quan tư pháp ở địa phương trong khu vực phía Nam (Khu vực). Chủ trì Tọa đàm gồm: Thứ trưởng Phan Chí Hiếu và ông Nguyễn Thanh Bình - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, ông Đào Trọng Định - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận. Tham dự Hội nghị có đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, đại diện Lãnh đạo Sở, Lãnh đạo Văn phòng, Phòng Tổ chức cán bộ của 25 Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Khu vực và đại diện một số UBND huyện.
Tọa đàm đã được nghe đồng chí Huỳnh Thị Lệ Thủy - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam báo cáo tóm tắt về tình hình công tác tổ chức cán bộ của các cơ quan tư pháp ở địa phương trong Khu vực phía Nam. Theo đó, số lượng các đơn vị cấp phòng chuyên môn, nghiệp vụ trực thuộc STP trong Khu vực là 206 đơn vị với 1.012 biên chế hành chính; 206 Phòng Tư pháp cấp huyện với 1.333 biên chế; 3.619 xã, phường, thị trấn với 5.821 công chức Tư pháp - Hộ tịch người, trong đó có 2.627 đã bố trí từ 2 công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã trở lên (chiếm 84,01%), cao hơn bình quân chung cả nước là 25,21%. Qua 3 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV, công tác tổ chức cán bộ tại cơ quan tư pháp địa phương ngày càng đi vào nề nếp, cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã ngày càng nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng công chức làm công tác tư pháp được thực hiện khá tốt.
Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng đã được nghe một số khó khăn về công tác tổ chức cán bộ như: Công chức làm công tác tư pháp ở địa phương vẫn chưa ổn định, nhất là sau những lần bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tỷ lệ công chức tư pháp hộ tịch có trình độ khác luật còn cao cả 03 cấp; việc bố trí biên chế để thực hiện các nhiệm vụ mới của ngành Tư pháp gặp nhiều khó khăn, trong khi công việc được giao ngày càng nhiều; việc bố trí công chức làm công tác hộ tịch chưa đúng với tiêu chuẩn theo quy định còn phổ biến.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã ghi nhận sự nỗ lực, khắc phục khó khăn hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong bối cảnh Ngành Tư pháp được giao thêm nhiều nhiềm vụ nhưng không được tăng thêm về biên chế. Kết quả trên nhờ sự quyết tâm của toàn thể đội ngũ cán bộ công chức tư pháp tại cả 03 cấp. Thứ trưởng cũng đã nhấn mạnh việc tăng biên chế trong thời gian tới là việc khó thực hiện do chính sách về tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước đang nỗ lực thực hiện. Do vậy, giải pháp tốt nhất trong thời gian tới đó là các địa phương cần: (i) Nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của công tác tổ chức cán bộ; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc tham mưu cho cấp ủy, UBND các cấp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác tổ chức cán bộ trong điều kiện hiện nay, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương. (ii) Lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy và quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực làm công tác tư pháp; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ này gắn với việc thực hiện quy hoạch nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác tư pháp tại cơ sở trong những năm tiếp theo. (iii) Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin...
Kết thúc Tọa đàm, Thứ trưởng hy vọng rằng không chỉ công tác tổ chức cán bộ mà công tác tư pháp khu vực phía Nam sẽ ngày càng phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, khẳng định rõ nét vị trí, vai trò trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước./.
Lâm Trần