Nhằm cập nhật kịp thời các quy định về hoạt động giáo dục nghề nghiệp, thực hiện Kế hoạch tư vấn, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật năm 2017, vừa qua, Trường Trung cấp Luật Vị Thanh đã tổ chức Ngày pháp luật tháng 6/2017. Buổi triển khai có sự chủ trì của TS. Nguyễn Văn Phụng - Hiệu trưởng Nhà trường cùng với sự tham dự của ông Dương Thành Đức - Phó Hiệu trưởng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật cùng toàn thể công chức, viên chức và người lao động của Trường.
Theo chương trình của buổi triển khai, công chức, viên chức và người lao động đã được nghe triển khai các văn bản mới của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bao gồm: Thông tư số 10/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quy định về mẫu bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng; in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng; Thông tư số 12/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20/4/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng; Công văn số 1767/LĐTBXH-TCGDNN ngày 09/5/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc xin ý kiến góp ý dự thảo Thông tư Quy định về đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo hình thức đào tạo thường xuyên vừa làm vừa học; Thông tư số 14/2017/TT-BLĐTBXH ngày 25/5/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quy định việc xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Sau mỗi nội dung triển khai, công chức, viên chức và người lao động của Trường đã cùng trao đổi, thảo luận các vấn đề còn nhiều cách hiểu khác nhau, các quy định có liên quan trực tiếp đến hoạt động của Nhà trưởng. Một số nội dung thảo luận cụ thể như: xác định giá trị pháp lý đối với giấy chứng nhận tạm thời, bản sao bằng tốt nghiệp từ sổ gốc, cách ghi các thông tin bằng tiếng Anh đối với bằng tốt nghiệp, xây dựng quy định về in phôi, quản lý, cấp phát bằng tốt nghiệp và các chứng chỉ, giấy chứng nhận; bổ sung yêu cầu về thái độ đối với quy định về yêu cầu năng lực đối với người học; thực hiện góp ý các thuật ngữ, nội dung quy định về địa điểm đào tạo, chương trình đào tạo đối với quy định thường xuyên vừa làm vừa học,…
Phát biểu kết luận tại buổi triển khai, TS. Nguyễn Văn Phụng - Hiệu trưởng Nhà trường đã ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo về nội dung triển khai của đơn vị được phân công, đồng thời yêu cầu các đơn vị chủ động cập nhật văn bản, đề xuất, tham mưu trong triển khai thực hiện các văn bản, trong đó chú trọng thực hiện ban hành các quy chế của Trường về in phôi, quản lý, cấp phát bằng tốt nghiệp và các chứng chỉ, giấy chứng nhận; Quy định về chuẩn đầu ra của học sinh; Quy định về đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo hình thức đào tạo thường xuyên vừa làm vừa học; Thực hiện các bước chuẩn bị trong công tác xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo.
Thông qua hoạt động triển khai trong Ngày pháp luật đã giúp cho công chức, viên chức và người lao động của Trường nhận thức sâu sắc hơn các quy định mới về hoạt động giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chủ động tham mưu thực hiện đúng các quy định vào hoạt động của Trường, góp phần đưa Trường phát triển đúng với mục tiêu đào tạo nghề nghiệp.
Trần Lãm