Kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại Bộ Giáo dục và Đào tạo

25/05/2017
Kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại Bộ Giáo dục và Đào tạo
Sáng 25/5, đoàn kiểm tra liên ngành do Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (THPL) Đặng Thanh Sơn – Phó Trưởng đoàn dẫn đầu đã có buổi làm việc tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Đây là Bộ thứ 2 trong kế hoạch kiểm tra năm 2017 của đoàn và có đại diện 9 đơn vị liên quan đến công tác theo dõi THPL của Bộ GD&ĐT cùng tham dự cuộc kiểm tra.
Báo cáo với đoàn kiểm tra về công tác theo dõi tình hình THPL của Bộ GD&ĐT, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Mai Thị Anh cho biết, giai đoạn từ tháng 10/2015 đến tháng 5/2017, Bộ GD&ĐT đều ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình THPL hàng năm; phối hợp với một số đơn vị của Bộ Tư pháp tổ chức các đoàn kiểm tra công tác pháp chế, việc THPL trong lĩnh vực giáo dục ở một số địa phương và cơ sở giáo dục đại học. Cũng trong giai đoạn này, Bộ đã trình ban hành 3 Nghị định của Chính phủ, 11 thông tư liên tịch và 40 thông tư của Bộ trưởng, bảo đảm tính kịp thời, hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Về tổ chức bộ máy, số lượng cán bộ, công chức của Vụ Pháp chế không nhiều lại phải đảm nhiệm khối lượng công việc rất lớn nhưng đã quan tâm bố trí 1 chuyên viên kiêm nhiệm công tác theo dõi tình hình THPL. Tại địa phương, ngoài 16 Sở GD&ĐT có thành lập Phòng Pháp chế thì 47 Sở còn lại đều bố trí cán bộ làm công tác pháp chế chuyên trách hoặc phân công cán bộ kiêm nhiệm, trong đó thực hiện công tác theo dõi tình hình THPL. Đặc biệt, hàng năm, Bộ GD&ĐT có kế hoạch bố trí kinh phí phục vụ trực tiếp công tác theo dõi tình hình THPL.
Tuy nhiên, công tác theo dõi tình hình THPL là công việc phức tạp, đòi hỏi phải được quan tâm, đầu tư cả về nhân lực và tài chính. Trong khi đó, phần lớn cán bộ, công chức làm công tác này trong ngành Giáo dục thường là kiêm nhiệm, chưa được bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ và kiến thức chuyên ngành. Ngoài ra, nhưng nguồn kinh phí còn hạn chế nên chưa triển khai được hết các nội dung theo dõi đã quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình THPL.
Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đề xuất đoàn kiểm tra kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế theo hướng yêu cầu xác lập, bố trí cán bộ, công chức làm chuyên trách công tác này tại các bộ, ngành, địa phương; sửa đổi, bổ sung Nghị định 59, trong đó định rõ trách nhiệm cơ quan, người đứng đấu trong việc theo dõi THPL. Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Bộ Tư pháp xây dựng quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong công tác theo dõi tình hình THPL, tăng cường tập huấn, hội thảo, trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ công tác theo dõi cho đội ngũ cán bộ pháp chế; đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung kinh phí phù hợp dành cho công tác theo dõi THPL, có chế độ hỗ trợ cho cán bộ, công chức làm công tác này.
Nhiều câu hỏi của các thành viên đoàn kiểm tra đã được đặt ra cho Bộ GD&ĐT như đã xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ trong công tác theo dõi tình hình THPL chưa, có tổ chức kiểm tra đội ngũ cán bộ, công chức trong việc giải quyết yêu cầu của người dân hay không… Đồng thời, các thành viên đoàn kiểm tra còn nêu một số kiến nghị với mong muốn tăng cường hiệu quả công tác này của ngành Giáo dục, đó là kế hoạch theo dõi hàng năm nên có lĩnh vực theo dõi trọng tâm, tính toán thêm đến việc triển khai công tác theo dõi tại các cơ sở giáo dục đại học… và phản ánh khá nhiều vấn đề thực tiễn mà dư luận quan tâm, chẳng hạn là quy chế đào tạo tiến sĩ, dạy thêm – học thêm, đánh giá học sinh tiểu học…
Trước khi trả lời những câu hỏi trên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) Lê Thị Kim Dung nhấn mạnh, quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đối với năm 2017 chính là năm pháp chế, tăng cường kỷ cương trong toàn ngành. Do vậy, Lãnh đạo Bộ rất quan tâm đến công tác pháp chế nói chung, trong đó có công tác theo dõi THPL, mỗi cuộc họp giao ban thì trọng tâm thảo luận luôn là công tác xây dựng văn bản, công tác pháp chế. Qua đây, các vấn đề thực tiễn phát sinh thường được phản ứng chính sách, trả lời báo chí, thông tin kịp thời để dư luận hiểu đúng về các mặt hoạt động của ngành Giáo dục. Dẫn chứng gần đây nhất là một trong những văn bản đầu tiên được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung khi mới nhận nhiệm vụ “Tư lệnh” ngành là Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học, nay là Thông tư 22.
Thay mặt đoàn kiểm tra, Phó Trưởng đoàn, Cục trưởng Đặng Thanh Sơn ghi nhận những thành tích đạt được và một số hạn chế trong công tác theo dõi THPL của Bộ GD&ĐT. Khẳng định cùng với y tế thì giáo dục là một lĩnh vực rất được xã hội quan tâm, ông Sơn biểu dương những phản ứng chính sách của Bộ GD&ĐT đã mang lại kết quả bước đầu. Cho biết đoàn kiểm tra sẽ tổng hợp các đề xuất của Bộ GD&ĐT, ông Sơn đồng thời đề nghị Vụ Pháp chế tham mưu cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT ban hành quy chế phối hợp trong công tác theo dõi THPL; tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác này trong bối cảnh hiện nay; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ. Chia sẻ khó khăn của cán bộ làm công tác theo dõi THPL, ông Sơn mong muốn Bộ GD&ĐT quan tâm khen thưởng, động viên họ để công tác THPL của ngành có những khởi sắc mới.
H.Thư