Phải bảo đảm thực chất trong tập sự hành nghề đấu giá

28/04/2017
Ngày 27/4, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) tổ chức cuộc họp góp ý Dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Tại cuộc họp, nhiều đại biểu đưa ra những kiến nghị với mong muốn kịp thời hướng dẫn các quy định của Luật sắp có hiệu lực vào ngày 1/7 tới đây, nhất là làm sao để bảo đảm tính hiệu quả của việc tập sự hành nghề đấu giá.
Tập sự hành nghề trong 6 tháng
Để nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên và tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề, Luật Đấu giá tài sản quy định theo hướng người muốn trở thành đấu giá viên phải tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá với thời gian là 6 tháng (người có ít nhất 3 năm công tác trong lĩnh vực được đào tạo mới được tham gia khóa đào tạo nghề); tập sự hành nghề đấu giá trong thời gian 6 tháng và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá. Luật Đấu giá tài sản cũng đã thu hẹp đối tượng được miễn đào tạo nghề đấu giá, theo đó chỉ những người đã qua các khóa đào tạo về nghề nghiệp và có kỹ năng hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và lĩnh vực có liên quan như luật sư, công chứng viên, quản tài viên, thừa phát lại... mới được miễn đào tạo.
Vì vậy, ngoài quy định về chương trình khung của khóa đào tạo nghề đấu giá, cơ sở đào tạo nghề đấu giá; biểu mẫu trong lĩnh vực đấu giá tài sản thì nội dung của Dự thảo Thông tư nhận được nhiều sự quan tâm nhất là vấn đề tập sự hành nghề đấu giá. Theo Dự thảo Thông tư, người có giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề đấu giá, người được miễn đào tạo nghề đấu giá muốn tập sự hành nghề đấu giá thì thỏa thuận với một tổ chức đấu giá tài sản để tập sự hành nghề đấu giá.
Nội dung tập sự hành nghề đấu giá bao gồm kỹ năng hành nghề đấu giá và các kỹ năng như: kỹ năng tiếp nhận, phân loại tài sản đấu giá; kỹ năng kiểm tra tính xác thực, tính hợp pháp của các giấy tờ có trong hồ sơ đấu giá; kỹ năng nghiên cứu và đề xuất hướng giải quyết hồ sơ đấu giá; kỹ năng soạn thảo hợp đồng dịch vụ đấu giá, văn bản liên quan đến việc bán đấu giá; kỹ năng điều hành cuộc đấu giá; kiểm tra, sắp xếp, phân loại hồ sơ để lưu trữ; các kỹ năng và công việc khác liên quan đến đấu giá tài sản do đấu giá viên hướng dẫn phân công.
Dự thảo Thông tư còn quy định báo cáo kết quả tập sự hành nghề đấu giá gồm kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề và kinh nghiệm thu nhận được từ quá trình tập sự; việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tập sự; khó khăn, vướng mắc trong quá trình tập sự (nếu có) và đề xuất, kiến nghị. Việc kiểm tra kết quả tập sự tập trung vào pháp luật về đấu giá tài sản, quy tắc đạo đức nghề đấu giá và kỹ năng hành nghề đấu giá. Những nội dung kiểm tra này sẽ được đặt ra trực tiếp trong bài kiểm tra viết và gián tiếp trong bài kiểm tra vấn đáp thông qua việc thí sinh trình bày nội dung, nêu cách giải quyết đối với tình huống cụ thể và trả lời các câu hỏi do Ban chấm thi đặt ra…
Cần tạo điều kiện hơn cho người tập sự
Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai cho biết, so với tập sự hành nghề luật sư, công chứng thì yêu cầu của việc tập sự hành nghề đấu giá được giản lược hơn khi thời gian tập sự đã quy định tại Luật Đấu giá tài sản chỉ mất có 6 tháng. Hay việc kiểm tra kết quả tập sự, nếu hành nghề luật sư, công chứng phải có hồ sơ 1 vụ việc cụ thể mà người tập sự tham gia thì đối với hành nghề đấu giá chỉ là mô tả vụ việc mình đã hỗ trợ đấu giá viên khi tập sự hoặc trả lời câu hỏi của Hội đồng kiểm tra do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập…
Đồng tình với sự cần thiết ban hành Thông tư trên nhưng một số ý kiến cho rằng vẫn cần hoàn thiện một số quy định để bảo đảm Luật Đấu giá tài sản khi có hiệu lực sẽ thực sự đi vào cuộc sống. Ông Trương Khánh Hoàn (Vụ Pháp luật hình sự hành chính, Bộ Tư pháp) đề nghị, để tạo điều kiện cho người tập sự thì thay vì quy định thỏa thuận với tổ chức đấu giá tài sản, cơ sở đào tạo nghề đấu giá phải liên hệ các tổ chức đấu giá tài sản gửi học viên của mình về tập sự. Có ý kiến lại đề xuất nên quy định theo hướng người muốn tập sự đăng ký tại tổ chức đấu giá tài sản sẽ phù hợp hơn là “thỏa thuận”.
Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh (Công ty Cổ phần đấu giá Lạc Việt) lại băn khoăn về quy định cứng của Dự thảo Thông tư rằng “tổ chức đấu giá tài sản không được từ chối nhận tập sự, trừ trường hợp có lý do chính đáng”. Bà Hạnh dẫn chứng, thế nào là lý do chính đáng, có được từ chối vì tổ chức đấu giá đang có quá nhiều người không hay nhiều là bao nhiêu; có được kiểm tra lý lịch tư pháp của người tập sự không bởi Công ty của bà Hạnh định hướng tuyển những người đủ tư cách, đạo đức, niềm tin. Liên quan đến việc kiểm tra kết quả, kinh nghiệm của bà Hạnh cho thấy, đấu giá viên hành nghề được không chỉ nói tốt mà còn phải có kiến thức rộng và gửi gắm “tập sự xong không phải về để tổ chức đấu giá mất công đào tạo, bồi dưỡng lần nữa”.
                                                  H.Thư