Kiểm tra tình hình đăng ký giao dịch bảo đảm tại tỉnh Thái Bình

04/10/2007
Thực hiện Quyết định số 1393/QĐ-BTP ngày 17/9/2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc tổ chức đợt kiểm tra tình hình đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã tổ chức đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ nêu trên tại tỉnh Thái Bình từ ngày 24 đến ngày 26/9/2007.

Việc kiểm tra được thực hiện tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình (cơ quan được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý về đăng ký giao dịch bảo đảm đảm tại địa phương), Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình, Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố Thái Bình.

 Trong hai ngày làm việc, đoàn công tác đã tập trung kiểm tra việc triển khai công tác quản lý về đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa phương, xem xét quy trình cụ thể giải quyết việc đăng ký giao dịch bảo đảm (từ khâu tiếp nhận hồ sơ, xem xét và giải quyết hồ sơ đến lưu trữ hồ sơ) của các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, nắm bắt mô hình tổ chức của Văn phòng đăng ký tại địa phương, trình độ, năng lực cán bộ thực hiện đăng ký. Ngoài ra, thông qua việc trao đổi trực tiếp, đoàn công tác cũng  lắng nghe phản ánh của địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình được thành lập từ ngày 19/8/2005, đi vào hoạt động từ tháng 9/2005. Ở cấp huyện, trong số 8 huyện của tỉnh Thái Bình thì mới có 3 huyện thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trong đó có 2 Văn phòng đang hoạt động, một Văn phòng đang trong quá trình thành lập. Nhìn chung, số lượng cán bộ hiện có của các Văn phòng đăng ký là hạn chế so với khối lượng công việc phải giải quyết.

Qua kiểm tra, về cơ bản, các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại địa phương thực hiện việc đăng ký thế chấp theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư liên tịch số 05 và Thông tư liên tịch số 03 hướng dẫn về đăng ký thế chấp. Việc đăng ký kết hợp kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực địa. Từ khi thành lập đến nay, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh đã đăng ký 231 hồ sơ đăng ký thế chấp. Việc cung cấp thông tin mới được thực hiện từ năm 2005, đến nay mới cung cấp thông tin với khối lượng nhỏ. Việc thu lệ phí đăng ký của các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất được thực hiện đúng quy định (60.000đ đối với một hồ sơ đăng ký).

Tuy nhiên, qua kiểm tra, công tác đăng ký thế chấp tại địa phương cũng còn gặp một số khó khăn như: số lượng cán bộ còn ít, trong khi đó số lượng công việc lại quá nhiều dẫn đến tình trạng quá tải, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đăng ký và lưu trữ hồ sơ còn nghèo nàn, một số việc phức tạp phát sinh trong quá trình thực hiện đăng ký thế chấp nhưng chưa có sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời…

Trong tháng 10 và tháng 11/2007, Cục Đăng ký tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra tình hình đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại 8 tỉnh còn lại là: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre, Tiền Giang để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đăng ký, tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong công tác đăng ký, đưa công tác đăng ký giao dịch bảo đảm vào nề nếp, góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.