Nhìn lại hai năm triển khai tổ chức thực hiện Chương trình đào tạo luật sư 12 tháng

30/12/2016
Nhìn lại hai năm triển khai tổ chức thực hiện Chương trình đào tạo luật sư 12 tháng
Sau hai năm tổ chức thực hiện Chương trình đào tạo luật sư 12 tháng, ngày 28/12, Học viện Tư pháp đã tổ chức Hội thảo tổng kết 2 năm thực hiện chương trình đào tạo nghề luật sư thời gian 12 tháng.
Theo Trưởng phòng đào tạo và Công tác học viên Trần Minh Tiến, sau hơn 02 năm triển khai thực hiện, chương trình đào tạo nghề luật sư thời gian 12 tháng đạt nhiều kết quả tích cực: Đào tạo được số lượng lớn nguồn nhân lực tư pháp, góp phần phát triển đội ngũ luật sư và tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; chất lượng đào tạo cơ bản đáp ứng mục tiêu đào tạo nguồn, đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; cơ cấu và nội dung chương trình cơ bản hợp lý, đáp ứng mục tiêu, nhu cầu người học.
Tính đến ngày 30/11/2016, Học viện Tư pháp đã tổ chức tuyển sinh được 5.305 học viên tham gia chương trình đào tạo nghề luật sư 12 tháng, trong đó đã đào tạo được 3.273 học viên và hiện đang đào tạo cho 2.032 học viên. Các học viên chủ yếu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Cũng theo ông Trần Minh Tiến hạn chế của chương trình là chất lượng đầu vào của người học chưa cao; mục tiêu, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp của học viên tham gia các khóa đào tạo nghề luật sư là rất khác nhau. Bên cạnh đó, do nhu cầu của học viên, các lớp đào tạo được tổ chức vào buổi tối cũng làm ảnh hưởng đến việc đào tạo. Ngoài ra, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo nghề luật sư còn thấp, nội dung thực tập còn hạn chế. Chương trình chưa có sự kiểm soát đối với hoạt động thực tập của học viên, chưa có sự liên kết, phối hợp với cơ quan, văn phòng nơi học viên thực tập…
Để hoàn thiện chương trình đào tạo nghề luật sư cần bám sát chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với nghề luật sư, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức danh này và sự thay đổi của hệ thống pháp luật; nâng cao chất lượng tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển; cân đối lại, chỉnh sửa về phần học tự chọn và chương trình thực tập; kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế để đảm bảo phù hợp với việc triển khai thực hiện chương trình đào tạo mới.
 
                                                                                                     Việt Tiến