Ngày 21/11/2016, Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam (NLD) tổ chức Hội thảo về “Sổ tay soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật”, tham dự hội thảo có sự có mặt của các chuyên gia, nhà khoa học tham gia xây dựng sổ tay, cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ, đại diện sở tư pháp của 05 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Lạng Sơn và Hải Dương và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Tuyến – Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 22/6/2015 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016. Ngày 14/5/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây là những văn bản quan trọng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, quy định nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, người có thẩm quyền trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP có nhiều nội dung đổi mới quan trọng, mang tính đột phá trong công tác xây dựng, ban hành và thi hành văn bản quy phạm pháp luật như thống nhất các quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong một văn bản, quy định rõ hơn khái niệm văn bản quy phạm pháp luật và khái niệm quy phạm pháp luật, quy định rõ hơn thẩm quyền về mặt nội dung của hình thức văn bản tương ứng với từng chủ thể có thẩm quyền, giảm bớt một số loại văn bản như chỉ thị, thông tư liên tịch; quy định quy trình xây dựng, phê duyệt chính sách trước quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định xử lý trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc đề nghị xây dựng văn bản, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, góp ý, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường dân chủ trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật….
Luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã quy định rõ quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tương ứng với từng chủ thể có thẩm quyền. Tuy nhiên, để công tác xây dựng pháp luật đạt kết quả tốt hơn thì cần phải có hướng dẫn về các kỹ năng, nghiệp vụ trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Do đó việc biên soạn các cuốn sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật là cần thiết, sổ tay sẽ là những cẩm nang quan trọng phục vụ công tác chuyên môn của các cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập của các đôi tượng đang học luật.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã nhất trí về nội dung của cuốn sổ tay, một số ý kiến cho rằng không nên khống chế dung lượng của cuốn sổ tay để mọi đối tượng có thể tra cứu theo nhu cầu, theo những vấn đề chưa rõ có thể mở ra và thực hiện được ngay và không cần thiết phải chia thành nhiều cuốn khác nhau hoặc tách biệt sổ tay soạn thảo của trung ương và địa phương.
Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng, Sổ tay cần hướng dẫn cụ thể hơn, theo đó cần kèm theo các tình huống, ví dụ thực tế và sau mỗi kỹ năng trong soạn thảo cần có khuyến cáo để người làm công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tránh mắc phải những lỗi sai trên thực tế.
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật