Tổng kết cuộc thi viết “Gương sáng trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng” trên báo chí

08/11/2016
Tổng kết cuộc thi viết “Gương sáng trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng” trên báo chí
Hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, sáng 7/11 tại Hà Nội Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Lễ tổng kết cuộc thi viết “Gương sáng trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng” trên báo chí. Đến dự Lễ tổng kết có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng, đại diện Bộ Tư pháp, các bộ, ngành ở Trung ương, cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương, các tác giải đạt giải của cuộc thi.
Thực hiện Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân  từ năm 2012 đến năm 2016”, ngày 18/12/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Lễ phát động Cuộc thi viết “Gương sáng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng” trên báo chí nhằm biểu dương, tôn vinh những gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; giáo dục ý thức chấp hành pháp luật phòng, chống tham nhũng. Sau 6 tháng tổ chức (từ 01/01/2016 đến 30/6/2016), Ban Tổ chức đã nhận được 69 tác phẩm dự thi của 23 đơn vị với 51 tác giả, trong đó, Báo Tuổi trẻ có số lượng bài dự thi nhiều nhất và cũng có nhiều tác giả dự thi nhất.

Theo đánh giá của Ban Giám khảo Cuộc thi, hầu hết các tác phẩm dự thi đã bảo đảm đúng mục đích, chủ đề, nội dung cuộc thi, tên các tác phẩm dự thi hấp dẫn, phản ánh và bao quát được nội dung. Nhiều tác phẩm có tác dụng tốt trong tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật phòng, chống tham nhũng; phản ánh rõ tên, địa chỉ của tấm gương người tốt trong công tác phòng, chống tham nhũng. Có những tác phẩm dự thi thể hiện trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội trong việc phát hiện, tố giác, lên án và đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi, vụ việc tham nhũng, mặc dù, có những vụ việc, người tố giác đã gặp không ít khó khăn, thậm chí bị trù dập, đe dọa. Khá nhiều tác phẩm có nội dung đặc sắc, có tính thời sự, phản ánh những vụ việc tham nhũng về các lĩnh vực thường xảy ra trong xã hội và có phạm vi  ảnh hưởng sâu rộng nên đã được Ban Giám khảo chấm điểm cao. Một số tác phẩm dự thi được viết dễ hiểu, trình bày đẹp, hình ảnh minh họa sinh động, hấp dẫn, phong phú, có sử dụng nghiệp vụ báo chí đa phương tiện.

Tại buổi Lễ, Ban Tổ chức Cuộc thi đã trao giải cho 24 tác phẩm gồm: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba, 15 giải khuyến khích và 03 giải phụ (giải tác giả trẻ tuổi nhất, giải cho cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm tham dự nhất và giải cho nghiệp vụ báo chí đa phương tiện). Giải nhất thuộc về tác phẩm: “Những người hùng trong công tác phòng chống tham nhũng” của tác giả Đào Văn Bảy – Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh. Giải nhì gồm 2 tác phẩm: “Chịu oan vì giữ rừng” của tác giả Đoàn Văn Cường và tác giả Đặng Văn Nam – Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh; “Những người khốn khổ vì giám nói sự thật” của tác giả Cao Thị Hồng và Nguyễn Thị Việt Hà – Báo Công an Nhân dân. Giải Ba gồm 3 tác phẩm: “Cuộc sống của “người hùng” sau các vụ chống tham nhũng, tiêu cực” của tác giả Cao Thị Hồng – Báo Công an Nhân dân; “Đông Anh Hà Nội nhức nhối vấn nạn biến đất công thành đất tư vì sao chưa xử lý” của tác giả Lê Thị Thu Hương – Báo Bảo vệ pháp luật và “Lò gạch ma Sóc Sơn” của tác giả Trần Xuân Bách và tác giả Võ Việt Phương – Báo điện tử VietnamPlus.
Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11. Để phát huy thành công của Cuộc thi, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sử dụng nội dung các tác phẩm dự thi để phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong toàn xã hội. Đồng thời, hai Bộ tiếp tục quan tâm tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam một cách thực chất, thường xuyên, liên tục nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật và giáo dục, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
 
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật