ĐH Luật Hà Nội: Tổ chức cuộc thi về học thuật trong lĩnh vực dân sự “Civil Law Debate”

26/10/2016
Trong khuôn khổ của “Tuần lễ pháp luật dân sự” và hưởng ứng Ngày Pháp luật 9/11 tới đây, vừa qua, Khoa Pháp luật Dân sự - ĐH Luật Hà Nội đã tổ chức “Civil Law Debate” là một cuộc thi về học thuật trong lĩnh vực dân sự cho sinh viên Đại học Luật nói riêng và sinh viên ngành luật nói chung trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm tìm hiểu về những điểm mới của Bộ luật dân sự 2015 sẽ có hiệu lực trong năm 2017 tới đây.
Ngay từ khi phát động, cuộc thi đã được sự quan tâm hưởng ứng của 8 cơ sở đào tạo luật và 112 nhóm đội ghi danh tham gia. Qua các vòng sơ tuyển, 4 đội thi thông minh bao gồm Chung Sức, Hợi Con 129, Nghi Xuân và FLU đã bước vào vòng chung kết với sự hướng dẫn nhiệt tình của 4 vị huấn luyện viên – giảng viên.
Tại đêm chung kết, các thí sinh của 4 đội thi tham gia các phần thi: Nhập cuộc; Tương tác trực tiếp với Ban giám khảo; Tranh luận – đối đầu và phần thi phụ. Với những ai đam mê pháp luật, đặc biệt là pháp luật dân sự, thì đây là những phần thi vô cùng hấp dẫn bởi nó cung cấp một khối lượng lớn kiến thức cũng như thực tiễn áp dụng kiến thức đó trong cuộc sống, vì dân sự là ngành luật có liên quan trực tiếp nhất đến đời sống hàng ngày của mọi người.
Mở đầu phần thi Tương tác trực tiếp với Ban giám khảo, đội Hợi con 129 bốc trúng câu hỏi tưởng như rất “khó nhằn” với sinh viên là “Quy định tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự khi không có luật áp dụng”. Sở dĩ nói đây là câu hỏi khó vì quy định này rất mới trong hệ thống pháp luật Việt Nam, thể hiện bước tiến lớn trong tiến trình cải cách tư pháp cũng như nhằm đảm bảo lẽ công bằng, công lý. Đối với sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường, kiến thức thực tiễn chưa nhiều thì việc giải thích quy định mới này không dễ dàng gì. Tuy nhiên các thí sinh của đội Hợi con 129 đã làm các thành viên Ban giám khảo ngạc nhiên khi dõng dạc đề cập đến công cuộc cải cách tư pháp; chức năng nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, công lý, lẽ công bằng của tòa án; việc Việt Nam tham gia các công ước về quyền con người và trách nhiệm nội luật hóa công ước… để trả lời câu hỏi. Án lệ cũng là vấn đề được các thầy trò rất quan tâm đề cập, phân tích bởi lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đã cho phép sử dụng án lệ khi xét xử và Tòa án nhân dân tối cao đã công bố rộng rãi các án lệ được lựa chọn.
Ban giám khảo của “Civil Law Debate” bao gồm những gương mặt rất nổi tiếng trong lĩnh vực đào tạo và thực hành luật như: PGS.TS Trần Thị Huệ; PGS.TS. Phạm Văn Tuyết; PGS.TS Bùi Đăng Hiếu; TS. Vương Thanh Thúy; TS. Vũ Thị Hồng Yến; TS. Nguyễn Minh Tuấn; ông Phan Quốc Thắng - Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Hai Bà Trưng. Vì thế việc Ban giám khảo đưa ra những câu hỏi hóc búa đòi hỏi thí sinh phải vận dụng cả kiến thức pháp luật lẫn thực tiễn để trả lời cũng không có gì khó hiểu. Cao trào của đên chung kết “Civil Law Debate” là phần thi Tranh luận – đối đầu giữa từng cặp đội với nhau đóng vai luật sư nguyên đơn và bị đơn tại một phiên tòa giả định giải quyết một vụ việc có thật đã xảy ra trong thực tế. Ở phần thi này bản lĩnh của các thí sinh đã bộ lộ rõ nhất, cho thấy chất lượng đào tạo kiến thức cũng như kỹ năng của các cơ sở đào tạo luật nói chung và của ĐH Luật Hà Nội nói riêng đã được nâng lên rõ rệt.
Kết thúc đêm chung kết, giải Nhất được trao cho đội Nghi Xuân của cô giáo Nguyễn Thị Long, giải Nhì là đội FLU bao gồm các sinh viên đến từ Đại học Ngoại Thương và Đại học Luật Hà Nội, đồng giải Ba là hai đội Chung sức và Hợi con 129. Mọi cuộc thi đều có người thắng người thua và“Civil Law Debate” cũng không nằm ngoài quy luật này. Tuy nhiên, điều lớn nhất mà cuộc thi đạt được đó là tình thân, tình đoàn kết, nhiệt tình học tập giữa các thí sinh, giảng viên. Đúng như lời nhấn mạnh của PGS.TS Nguyễn Văn Cừ - Trưởng Khoa Pháp luật Dân sự: “Cuộc thi đã góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết của sinh viên, giảng viên các cơ sở đào tạo luật, cũng như thúc đẩy tinh thần học tập, nghiên cứu pháp luật của thầy và trò”.
Xuân Hoa