Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2016

15/01/2016
Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2016
Chiều nay – 14/01, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã dự và chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai công tác năm 2016 của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ và toàn thể cán bộ, công chức, người lao động của Cục.

Báo cáo tổng kết công tác năm 2015, ông Phạm Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cho biết, với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, người lao động, năm 2015, Cục đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 19/NQ-CP và Kế hoạch của Bộ. Chuyển biến rõ nét nhất trong hoạt động của Cục là công tác chỉ đạo, điều hành. Công tác hoàn thiện thể chế về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm đã góp phần giải quyết, tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc, bức xúc trong thực tiễn, có tác dụng tích cực đến sự an toàn của thị trường tín dụng, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm. Các mặt công tác khác của Cục tiếp tục được quan tâm, chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm cơ bản được điều chỉnh thống nhất

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm là xây dựng VBQPPL trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm. Quá trình thực hiện quản lý nhà nước và tổ chức đăng ký giao dịch bảo đảm gắn liền với những nỗ lực hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực này. Pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm cơ bản được điều chỉnh thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng mục tiêu cải cách hành chính, cải cách pháp luật, thúc đẩy thị trường vốn và hoạt động sản xuất – kinh doanh. Các quy định về quy trình đăng ký, cung cấp thông tin đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng thuận tiện, khoa học và giảm chi phí như: đơn giản và minh bạch hóa hồ sơ, thủ tục đăng ký; loại bỏ các giấy tờ không cần thiết trong hồ sơ; rút ngắn thời hạn giải quyết; quy định rõ các trường hợp được quyền từ chối đăng ký; thực hiện đăng ký liên thông… 

Nhiều chuyển biến về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm

Trong năm 2015, Cục đã tiến hành rà soát, lập danh mục các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm. Theo đó, có 35 thủ tục liên quan tới công tác đăng ký giao dịch tài sản bằng động sản và bất động sản cần được đánh giá và chỉnh lý theo đúng tiến độ của Bộ về công tác cải cách thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Cục cũng đã phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính tiến hành rà soát và báo cáo kết quả đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và bằng động sản (trừ tàu bay, tàu biển) với tổng số 17 thủ tục. Qua rà soát, Cục đã đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa đối với một số thủ tục, từ đó có thể tiết kiệm chi phí khoảng 43% sau khi cải cách đối với nhóm thủ tục đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; khoảng 20% chi phí sau khi tiến hành cải cách đối với nhóm thủ tục đăng ký thế chấp tài sản là động sản (trừ tàu bay, tàu biển), tương đương tiết kiệm trên 5 tỷ đồng/năm sau khi cải cách đối với cả nhóm thủ tục.

Minh bạch, khách quan trong hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm

Trong giai đoạn 2011-2015, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đã chính thức vận hành Hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm (từ ngày 19/3/2012). Việc vận hành Hệ thống đã giúp cắt giảm chi phí hành chính do ngân sách nhà nước cấp, đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đăng ký do cán bộ không tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, hạn chế tối đa sự can thiệp của cán bộ đăng ký, đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong hoạt động đăng ký. Đồng thời những biến động về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm vẫn được giám sát chặt chẽ thông qua cơ chế “hậu kiểm” của cán bộ đăng ký. Đây là bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng, đáp ứng lợi ích của các bên tham gia giao dịch.

Tại Hội nghị, ông Phạm Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cho biết, hiện Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm là đơn vị duy nhất trong Bộ Tư pháp thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3. Trong năm 2015, các Trung tâm Đăng ký đã giải quyết được 368.151 đơn yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin, tăng 157% so với cùng kỳ năm 2014 (233.913). Cũng trong năm 2015, Cục đã chấp nhận và cấp mã số khách hàng thường xuyên, tài khoản đăng ký trực tuyến cho 858 tổ chức, cá nhân. Cho đến nay, số khách hàng thường xuyên đã được cấp mã số, tài khoản đăng ký trực tuyến là hơn 4.000 tổ chức, cá nhân.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, quyết tâm của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trong năm vừa qua đồng thời thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: sự gắn kết của Cục với 3 Trung tâm còn chưa rõ nét; công tác tổ chức và quản lý cán bộ còn nhiều hạn chế; xây dựng các chiến lược, kế hoạch còn chưa rõ ràng; sự chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu còn chưa được thể hiện rõ.

Bước sang năm 2016, Thứ trưởng đề nghị Cục Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết; đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các vấn đề chiến lược; nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ và chất lượng chỉ đạo của lãnh đạo Cục; tăng cường gắn kết với 3 Trung tâm. Đặc biệt, Cục cần nhận diện và phát huy các ưu điểm, sở trường để bước sang giai đoạn mới đạt được nhiều kết quả khởi sắc hơn nữa.