Số định danh cấp khi khai sinh chính là số thẻ căn cước công dân
* Thưa ông, được biết Luật Căn cước công dân cũng quy định về việc cấp số định danh cá nhân. Vậy có sự khác nhau trong quy định về cấp số định danh cá nhân giữa hai Luật không?
- Bắt đầu từ ngày 1/1/2016, Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân cùng có hiệu lực. Hai Luật này có mối liên hệ với nhau về cấp số định danh cá nhân. Luật Hộ tịch quy định kể từ ngày Luật có hiệu lực, khi đăng ký khai sinh, người được đăng ký khai sinh sẽ được cấp số định danh cá nhân mà theo quy định của Luật Căn cước công dân sẽ sử dụng trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an chủ trì quản lý, khai thác.
Các đơn vị liên quan của Bộ Tư pháp và Bộ Công an đã cùng nhau ký biên bản trao đổi thống nhất phương án chuyển, nhận dữ liệu hộ tịch và cấp số định danh cá nhân. Theo đó, Bộ Công an cam kết số định danh cá nhân được cấp từ thời điểm 1/1/2016 là số định danh chính thức sử dụng trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và ghi trên thẻ căn cước cấp cho công dân. Nghĩa là sau này khi đứa trẻ 14 tuổi thì số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh chính là số căn cước công dân. Điều đó rất thuận lợi ở chỗ là các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính có phần mềm kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khi người dân đến yêu cầu giải quyết thủ tục chỉ cần thông báo số định danh cá nhân là sẽ hiện lên thông tin ngày tháng năm sinh, quê quán, tình trạng hôn nhân…, không phải khai lại thông tin cá nhân, không phải xuất trình hay nộp thêm giấy tờ gì khác.
* Để triển khai thực hiện đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân cho người đăng ký khai sinh Bộ Tư pháp đã tiến hành những công việc nào, thưa ông?
- Trong thời gian vừa qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an, cụ thể là Cục Công nghệ thông tin – Bộ Tư pháp và Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) – Bộ Công an đã phối hợp rất chặt chẽ trong việc thử nghiệm để kết nối hai phần mềm đăng ký khai sinh của Bộ Tư pháp và phần mềm cấp số định danh của Bộ Công an. Quá trình thử nghiệm cho thấy việc kết nối kỹ thuật rất là thành công và tất cả thử nghiệm chấm dứt vào 22h ngày 31/12/2015, xóa toàn bộ thông tin dữ liệu giả định trong quá trình thử nghiệm. Bắt đầu từ 0h 1/1/2016, Cơ sở dữ liệu hộ tịch, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đặc biệt là phần mềm cấp số định danh cá nhân sẽ hoàn toàn mới để cấp thông tin mới. Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và Cục Công nghệ thông tin của Bộ Tư pháp cũng làm việc với C72 Bộ Công an và thống nhất báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp, được Bộ trưởng nhất trí trong quý I/2016 sẽ thí điểm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân tại 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM và Đà Nẵng.
Lý do chọn 4 thành phố vì là những nơi có điều kiện về cơ sở hạ tầng, vật chất đầy đủ hơn so với các tỉnh, thành khác; đội ngũ cán bộ công chức hộ tịch rất sẵn sàng sử dụng phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân theo quy định mới. Vừa rồi, Bộ Tư pháp đã hướng dẫn tập huấn sử dụng phần mềm cho tất cả cán bộ công chức tư pháp - hộ tịch và cán bộ làm công tác hộ tịch tại Phòng Tư pháp cấp quận, huyện của 4 thành phố.
Trả giấy khai sinh tại nhà cho người dân
* Xin ông cho biết rõ hơn về quy trình cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh?
- Quy trình cấp số định danh theo Luật Hộ tịch, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và Thông tư số 15/2015/TT-BTP như sau: Công chức tư pháp - hộ tịch sau khi nhận tờ khai đăng ký khai sinh của người dân sẽ nhập thông tin vào sổ đăng ký khai sinh (sổ giấy). Nhập vào sổ giấy xong, cán bộ tư pháp – hộ tịch sẽ nhập thông tin đó vào phần mềm đăng ký khai sinh rồi kiểm tra 2 lần, bảo đảm các thông tin chính xác thì chuyển dữ liệu thông tin khai sinh lên trung tâm dữ liệu điện tử của Bộ Tư pháp đóng tại Cục Công nghệ thông tin theo hình thức Bộ Tư pháp quản lý tập trung tất cả thông tin hộ tịch trong cả nước. Bộ Tư pháp chuyển sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an để lấy số định danh cá nhân.
Quá trình thử nghiệm cho thấy thời gian chuyển và nhận kết quả trả lời chỉ dưới 1 phút. Nếu toàn bộ đường truyền tốt, kỹ thuật tốt, cán bộ tư pháp – hộ tịch thao tác thành thạo thì thời gian cấp 1 giấy khai sinh cho người dân chỉ khoảng 5 phút. Phần mềm đăng ký khai sinh cũng tích hợp cả mẫu tờ khai, mẫu giấy khai sinh điện tử, cán bộ tư pháp hộ tịch nhập 1 lần toàn bộ thông tin khai sinh sẽ tự động chuyển sang mẫu giấy khai sinh điện tử, chuyển và nhận kết quả có số định danh, in ra trình lãnh đạo UBND ký, cấp cho công dân.
Ở địa phương chưa thí điểm, kể cả địa phương đang ứng dụng phần mềm riêng, chưa kết nối với Trung tâm dữ liệu của Bộ Tư pháp thì trước hết phải gửi lời xin lỗi người dân về việc chưa ứng dụng phần mềm ngay được do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, chúng ta khắc phục bằng cách hàng tuần, công chức tư pháp - hộ tịch đăng ký khai sinh bằng giấy, mang tờ khai lên huyện nhập thông tin, chuyển lại để trả tại nhà qua bưu điện cho người dân, tức là có độ trễ nhất định. Tới đây, Cục chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ có công văn hướng dẫn 59 tỉnh còn lại.
* Theo ông, quy trình cấp giấy khai sinh theo Luật Hộ tịch thay đổi căn bản ra sao so với quy trình trước đây?
Điểm khác biệt cơ bản là ở nơi nào ứng dụng công nghệ thông tin, thời gian giải quyết cho người dân rất nhanh, không phải là trong ngày nữa mà chỉ tính bằng phút, với điều kiện kỹ thuật hạ tầng, cán bộ tư pháp hộ tịch có trình độ tin học bởi yêu cầu phải nhập thông tin chính xác. Quá trình nhập sai vào sổ giấy thì có thể cùng người dân sửa ngay tại chỗ, nhưng sau khi cấp giấy và có số định danh mà có sự sai sót thì phải theo quy trình thủ tục cải chính hộ tịch, xác định là lỗi của ai. Cục Công nghệ thông tin cho biết, trong năm 2016 nếu có kinh phí nâng cấp database tại Bộ thì có thể triển khai phần mềm đăng ký khai sinh trong toàn quốc.
Hơn nữa, Đề án hộ tịch điện tử cũng xác định rõ 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 mang tính chất thí điểm từ năm 2016 đến tháng 6/2017, sẽ xây dựng phần mềm chuẩn về đăng ký hộ tịch, kết nối, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công việc này cơ bản đã xong, chờ Nghị định hướng dẫn Luật Căn cước công dân có hiệu lực để triển khai đồng bộ. Trong giai đoạn thí điểm, Cục Công nghệ thông tin sẽ chịu trách nhiệm xây dựng đề án tiền khả thi, khái toán kinh phí đầu tư ở cấp Trung ương và địa phương.
* Qua trao đổi với ông, chúng tôi có cảm giác là cán bộ tư pháp – hộ tịch “bị thêm việc”?
- Về hình thức, đúng là thêm việc cho cán bộ tư pháp – hộ tịch nhưng cải cách là rất lớn. Thực ra, số lượng việc khai sinh của từng xã, phường không nhiều, trung bình cả nước khai sinh mới khoảng 1,7 – 1,8 triệu trường hợp/năm nhưng có 11 nghìn xã, phường, nên tính ra số việc khai sinh bình quân không nhiều. Lợi ích thì rất rõ ràng là người dân không phải chờ đợi, không phải đi lại, tối thiểu là 2 lần, còn cán bộ tư pháp – hộ tịch không mất thời gian tập trung quá nhiều vào việc đó.
* Có ý kiến băn khoăn khi đổi mới quy trình cấp giấy khai sinh như trên thì sẽ ảnh hưởng tới mô hình khai sinh “3 trong 1” gồm cả cấp giấy khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi?
- Hiện chúng ta chưa làm, thực ra quy trình khai sinh “3 trong 1” theo Thông tư liên tịch số 05 là làm thủ công, vẫn tách ra 3 bước do cán bộ tư pháp hộ tịch làm cho dân, thời gian lâu. Song tới đây sẽ tính phương án tích hợp khai sinh “3 trong 1” trong khai sinh điện tử. Riêng cấp bảo hiểm y tế với trẻ em dưới 6 tuổi được biết trong năm 2016, ngành Bảo hiểm cũng sẽ kết nối được. Về đăng ký cư trú, theo quan điểm của Bộ Công an, khi cấp thẻ căn cước, tiến tới bỏ sổ hộ khẩu thì hệ thống đăng ký cư trú sẽ có sự thay đổi nào đó.
* Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Thư