Cán bộ, công chức các cơ quan THADS nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao

14/12/2015
Cán bộ, công chức các cơ quan THADS nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao
Với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, 5 năm qua (2011-2015) công tác Thi hành án dân sự (THADS) ngày càng có sự chuyển biến bền vững. Phóng viên đã có cuộc Phỏng vấn Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Hoàng Sỹ Thành.

- Thưa Tổng cục trưởng, nhìn lại 05 năm, công tác THADS được đánh giá có nhiều khởi sắc trên mọi lĩnh vực, nhất là trong điều kiện kinh tế còn khó khăn và số lượng việc, tiền phải thi hành liên tục tăng cao qua từng năm?

Trong giai đoạn 2011 - 2015, cùng với cả nước và toàn ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015, công tác THADS ngày càng chuyển biến tích cực, toàn diện trên các mặt công tác. Một số kết quả cơ bản có thể kể đến như:

Về thể chế, ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật THADS năm 2008, Tổng cục THADS đã chủ động, tích cực tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc liên tịch ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh toàn diện các mặt công tác THADS với 06 Nghị định, 18 Thông tư liên tịch và 25 Thông tư về THADS. Mới đây, ngày 25/11/2014 Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thu hút 03 Nghị định của Chính phủ về công tác THADS. Đặc biệt, thực hiện chủ trương xã hội hóa một số công việc thi hành án, trên cơ sở kết quả Thí điểm chế định thừa phát lại, Tổng cục THADS đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH13 cho phép thực hiện chế định Thừa phát lại trên phạm vi cả nước kể từ ngày 01/01/2016... Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng tạo hàng lang pháp lý cơ bản, toàn diện trên các mặt công tác THADS, đưa tổ chức và hoạt động công tác THADS ngày càng đi vào nề nếp với một vị thế mới trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

Về kết quả THADS, đôn đốc thi hành án hành chính, mặc dù trong điều kiện số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng, năm sau cao hơn năm trước, nhất là về tiền (trên 30%), cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, tổ chức, bộ máy đang trong quá trình hoàn thiện, thể chế pháp luật về THADS còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ và đặc biệt tình hình kinh tế - xã hội trong nước cũng như khu vực còn nhiều biến động và khó khăn, song các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án về việc, về tiền theo Nghị quyết của Quốc hội được tập trung thực hiện, đạt được những kết quả quan trọng và có xu hướng bền vững, thực chất. Đơn cử như năm 2015, toàn quốc đã tổ chức thi hành xong 533.985 việc, thu được gần 42.820 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 89,08% về việc và 76% về tiền (so với năm 2011, tăng 153.995 việc = 40,52% và 32.651 tỷ đồng = 321%). Việc giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng được tập trung chỉ đạo giải quyết. Công tác đôn đốc thi hành án hành chính đã có những chuyển biến, kết quả qua các năm, hầu hết các vụ việc thi hành án hành chính đều được các cơ quan THADS kịp thời có văn bản đôn đốc, đạt tỷ lệ gần 100%. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng Báo cáo tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai công tác thi hành án hành chính.

Về tổ chức bộ máy, cán bộ, qua 05 năm (2011-2015), tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác THADS đã không ngừng được củng cố, kiện toàn và ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, từng bước ngang tầm với nhiệm vụ được giao với Tổng cục THADS ở trung ương, 63 Cục THADS ở cấp tỉnh, 710 Chi cục THADS ở cấp huyện và gần một vạn công chức, viên chức, người lao động. Đội ngũ Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án trong các cơ quan quản lý và cơ quan THADS đã từng bước được chuẩn hóa về chất lượng và nâng cao về số lượng với 4.128 Chấp hành viên, 607 Thẩm tra viên, 1.731 Thư ký thi hành án. Đây là khởi sắc và tiền đề quan trọng quyết định đến sự thành công trong thực hiện nhiệm vụ chính trị THADS trong toàn hệ thống.

Về công tác phối hợp liên ngành, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo và thực hiện hiệu quả, qua đó đã tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và sự phối hợp của các Bộ, ngành ở Trung ương và các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị THADS.

Đạt được những kết quả tích cực nêu trên là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác THADS và đặc biệt là tinh thần nỗ lực, phấn đấu vươn lên, khắc phục mọi khó khăn của toàn thể đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác THADS. Những kết quả đạt được đã và đang góp phần quan trọng, tích cực vào việc giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của cả nước, từ đó góp phần chung vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương trong năm 2015 và trong cả nhiệm kỳ.

- Bên cạnh những kết quả quan trọng và đáng ghi nhận nêu trên, theo Tổng Cục trưởng những mặt công tác nào trong công tác THADS toàn quốc cần tiếp tục có những giải pháp tập trung trong thời gian tới?

Công tác THADS toàn quốc vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục tập trung khắc phục, cụ thể: Kết quả THADS chưa hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao về tiền (năm 2013 còn thiếu 3,83%; năm 2014 còn thiếu 0,28%; năm 2015 còn thiếu 1%), còn một số lượng lớn án chưa được tổ chức thi hành, án chuyển kỳ sau còn nhiều; công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành ở một số đơn vị, địa phương còn không ít hạn chế, một số lúc, một số nơi, một số việc còn chậm, chưa sâu sát, chưa quyết liệt; công tác tổ chức cán bộ chưa thực sự “đi trước một bước”, đặc biệt là việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật của một bộ phận công chức còn chưa nghiêm, vi phạm dẫn đến phải xử lý kỷ luật (năm 2015 với 82 trường hợp)….

Nguyên nhân cơ bản của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do: Số việc và tiền thụ lý ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước, trong khi biên chế thi hành án dân sự không được tăng, dẫn tới tình trạng quá tải công việc tại nhiều cơ quan thi hành án dân sự, nhất là ở những tỉnh, thành phố lớn; nền kinh tế còn khó khăn, thị trường bất động sản chưa thực sự khởi sắc trở lại nên nhiều tài sản, nhất là bất động sản đã kê biên, thẩm định giá nhưng rất khó bán, nhiều vụ việc phải định giá lại nhiều lần vẫn không có người mua; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa thực sự theo kịp yêu cầu phát triển của hệ thống THADS trong tình hình mới, nhất là ở cấp Chi cục; một bộ phận công chức chưa nhận thức đầy đủ về yêu cầu nhiệm vụ, chưa thật sự chủ động, tích cực trong công việc, cá biệt có trường hợp còn có hành vi tiêu cực, tham nhũng, gây phiền hà cho các bên đương sự, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân này cũng đã được tập thể Lãnh đạo Tổng cục thẳng thắn nhìn nhận để từ đó đề ra những giải pháp tập trung tháo gỡ trong năm 2016 và thời gian tiếp theo.

- Trước yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong công tác THADS năm 2016 và nhiệm kỳ tiếp theo là gì thưa Tổng Cục trưởng?

Trong Nhà nước pháp quyền XHCN, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải luôn tôn trọng và thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Các bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên và có hiệu lực thi hành phải được tổ chức, cá nhân nghiêm chỉnh thực hiện, có như vậy, quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, công dân mới được tôn trọng, bảo vệ trên thực tế. Để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác THADS, Tổng cục THADS sẽ tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp tập trung chỉ đạo công tác THADS toàn quốc năm 2016 và nhiệm kỳ tiếp theo với những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp 70 năm xây dựng và trưởng thành của công tác thi hành án dân sự, qua đó, tạo sự chuyển biến toàn diện, tích cực trên các mặt công tác THADS, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Hai là, tập trung hoàn thiện, tham mưu hoàn thiện thể chế công tác THADS trên các mặt công tác, bảo đảm cụ thể hóa các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ và đặc biệt là Nghị quyết số 107/2015/QH13 của Quốc hội về thực hiện chế định thừa phát lại, tiến tới xây dựng trình Quốc hội thông qua Luật về Thừa phát lại, qua đó thực hiện chủ trương của Đảng về đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác THADS theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Ba là, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tập trung tháo gỡ những tồn tại, hạn chế nhất là những tồn tại, hạn chế đã kéo dài, chậm được khắc phục trong giai đoạn 2011-2015; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục duy trì kết quả THADS bền vững, thực chất; tổ chức thực hiện nghiêm túc và phấn đấu hoàn thành các yêu cầu, nhiệm vụ về THADS nhiệm kỳ 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII về công tác Tư pháp; Quyết định giao chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS hàng năm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Bốn là, tiếp tục củng cố kiện toàn, tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác THADS từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng các cơ quan THADS có tổ chức phù hợp, trong sạch, vững mạnh, kỷ cương, kỷ luật; đội ngũ công chức, viên chức, người lao động làm công tác THADS có đầy đủ phẩm chất, năng lực, tinh thần tận tụy, cống hiến trong công tác, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới.

Năm là, tăng cường hơn nữa việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan THADS theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII về công tác tư pháp, nhất là xây dựng các kho vật chứng của các cơ quan THADS.

- Trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!    

                                  Thu Hằng (thực hiện)