Hội thảo khoa học: Cơ quan nhân quyền quốc gia – Thực tiễn quốc tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

02/10/2015
Hội thảo khoa học: Cơ quan nhân quyền quốc gia – Thực tiễn quốc tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), ngày 25/9/2015, Bộ Ngoại giao và Trường Đại học Luật Hà Nội đã phối hợp tổ chức Hội thảo: Cơ quan nhân quyền quốc gia – Thực tiễn quốc tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Trường Đại học Luật Hà Nội, UNDP tại Việt Nam cùng đông đảo các đại biểu đến từ Ban đối ngoại Trung ương, Uỷ ban MTTQ Việt Nam, Uỷ ban dân tộc, Hội bảo vệ quyền trẻ em, Trường Đại học Kiểm sát, Học viện Tư pháp, Học viện Hành chính quốc gia…

Hội thảo tập trung vào hai nội dung chính là: Tìm hiểu vị trí, vai trò, chức năng và thực tiễn hoạt động của một số mô hình cơ quan nhân quyền quốc gia trên thế giới; phân tích các cơ sở pháp lý, thực tiễn và đề xuất mô hình cơ quan nhân quyền ở Việt Nam.

Cơ chế bảo đảm nhân quyền là tổng thể các nguyên tắc, quy phạm pháp luật, các thiết chế nhằm thúc đẩy, bảo vệ quyền con người. Trong đó, cơ quan nhân quyền quốc gia là thiết chế quốc gia quan trọng thực hiện bảo vệ, thúc đẩy quyền con người. Trên thế giới không có mô hình chung về cơ quan nhân quyền quốc gia cho các quốc gia mà mỗi quốc gia lựa chọn mô hình cơ quan nhân quyền quốc gia phù hợp với thể chế chính trị, điều kiện kinh tế-xã hội và lịch sử của quốc gia đó. Trong thực tiễn, cơ quan nhân quyền quốc gia được thiết lập theo sáu hình thức chủ yếu đó là: Uỷ ban nhân quyền quốc gia, Cơ quan thanh tra Quốc hội, Uỷ ban tư vấn/tham vấn về nhân quyền, Trung tâm nhân quyền; Uỷ ban hỗn hợp; Mô hình nhiều thiết chế. Các bài tham luận cũng giới thiệu thực tiễn xây dựng và hoạt động của cơ quan nhân quyền quốc gia ở một số quốc gia châu Âu, châu Á như: Văn phòng thanh tra nhân quyền Ba Lan (RPO); Viện nhân quyền Đức (GIHR); Uỷ ban công bằng và quyền con người Anh (EHRC); Uỷ ban nhân quyền Malaysia (SUHAKAM); Uỷ ban nhân quyền Indonesia (KOMNHASHAM)…

Trên cơ sở tìm hiểu kinh nghiệm thành lập, hoạt động của một số mô hình cơ quan nhân quyền trên thế giới, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến đề xuất cho việc xây dựng mô hình cơ quan nhân quyền tại Việt Nam như: Phải đảm bảo sự đa dạng về thành phần của cơ quan nhân quyền quốc gia; đảm bảo sự độc lập của cơ quan nhân quyền… Về tính độc lập của cơ quan nhân quyền cũng được các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến, đó có thể là sự độc lập về tài chính, độc lập về tổ chức…; tuy nhiên, dù có tính độc lập thì hoạt động của cơ quan này vẫn phải nằm trong tổng thể hoạt động chung của các cơ quan nhà nước khác nhằm bảo vệ tốt hơn quyền con người.

Với một ngày làm việc tích cực, sôi nổi, Hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin thiết thực về thực tiễn xây dựng và hoạt động của các mô hình cơ quan nhân quyền trên thế giới. Những đề xuất được các đại biểu đưa ra là nguồn tham khảo có giá trị khoa học cho các cơ quan nhà nước trong quá trình tổ chức thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 2 của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc cũng như việc lựa chọn xây dựng mô hình cơ quan nhân quyền phù hợp cho Việt Nam trong thời gian tới./.

Quỳnh Hoa