Triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 49/NQ-CP của Chính phủ

15/07/2015
Thực hiện Quyết định số 1962/QĐ-BTP ngày 22 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, ngày 14 tháng 7 năm 2015 tại trụ sở Bộ Tư pháp đã diễn ra cuộc họp triển khai kế hoạch. Tham dự cuộc họp có Lãnh đạo Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tư pháp. Đ/c Lê Đại Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp chủ trì buổi họp.
 

Thay mặt nhóm nghiên cứu, Đ/c Trần Minh Sơn, Trưởng phòng, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Phó Tổ trưởng Tổ Thư ký Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2020 trình bày báo cáo quá trình nghiên cứu và xây dựng các đề cương dự thảo 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt:

- Quy trình tham vấn các doanh nghiệp theo nguyên tắc công khai, minh bạch của WTO trong việc xây dựng chính sách, pháp luật;

- Đề án thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại;

- Đề án các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại cuộc họp, đ/c Phạm Thúy Hạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ nhất trí quan điểm cần thiết xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy trình và 02 Đề án nhằm thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới. Việc xây dựng Đề án các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần xây dựng theo hướng các giải pháp trọng tâm, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh các giải pháp hỗ trợ về mặt thể chế như sửa đổi, bổ sung Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Có các sáng kiến mới có tính đột phá có lợi cho doanh nghiệp thông qua việc xây dựng và triển khai các Đề án.

Đ/c Nguyễn Văn Cương – Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng việc xây dựng Đề án thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại là cần thiết. Năm 2006, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp có tổ chức khảo sát và xây dựng Đề tài nghiên cứu thực trạng thực thi pháp luật của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong các vụ việc tranh chấp kinh doanh, qua đó mới thấy thực trạng công tác thực thi pháp luật của doanh nghiệp là rất đáng quan tâm. Về Đề án các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần xây dựng các giải pháp theo hướng từng bước xác hội hóa công tác này để doanh nghiệp, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và Nhà nước cùng làm, cùng tham gia.

Đ/c Bùi Thị Thu Huyền đại diện Tòa án nhân dân tối cao có ý kiến cho rằng, Tòa án nhân dân tối cao hàng năm có thống kê số lượng án kinh doanh thương mại, theo đó, theo đồng chí trong Đề án thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại thì nên xác định rõ án kinh doanh thương mại không bao gồm giải thể, phá sản doanh nghiệp.

Đ/c Nguyễn Thị Việt Anh, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính cho rằng việc xây dựng Đề án các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết trong thời điểm này khi các Bộ, ngành trong đó có Bộ Tài chính đang triển khai mạnh mẽ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2014 tiếp tục thực hiện và điểu chỉnh các hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014, thực hiện đến năm 2020. Và thực tế trong quá trình triển khai công tác này cho thấy cần có các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tránh trùng lặp, phát huy hiệu quả các Chương trình hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp của các Bộ, ngành và địa phương.

Ngày 6 tháng 7 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký 03 Quyết định thành lâp 03 Tổ Soạn thảo xây dựng 03 Quyết định trên gồm: Quyết định số 1280/QĐ-BTP ngày 6 tháng 7 năm 2015 thành lập Tổ Soạn thảo Đề án các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Quyết định số 1281/QĐ-BTP ngày 6 tháng 7 năm 2015 thành lập Tổ Soạn thảo Đề án thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại; Quyết định số 1282/QĐ-BTP ngày 6 tháng 7 năm 2015 thành lập Tổ Soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình tham vấn các doanh nghiệp theo nguyên tắc công khai, minh bạch của WTO trong việc xây dựng chính sách, pháp luật.

Tại cuộc họp nhiều ý kiến cũng cho rằng, Tổ Soạn thảo các Đề án đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập có đại diện các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp cần triển khai mạnh mẽ các hoạt động nhằm đảm bảo kế hoạch và tiến độ trình các văn bản trên. Riêng Nhóm thường trực xây dựng 03 văn bản trên cần hoàn thiện trình các Tổ trưởng Tổ Soạn thảo các Kế hoạch chi tiết triển khai 03 Đề án, Quy trình, có kế hoạch phân công nhiệm vụ để kịp thời triển khai các hoạt động theo kế hoạch.

Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp