Tổ chức hội thảo, tọa đàm về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tại thành phố Hồ Chí Minh

09/02/2015
Tổ chức hội thảo, tọa đàm về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tại thành phố Hồ Chí Minh

Thực hiện việc lấy kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), từ ngày 4 đến ngày 6/2/2015, tại thành phố Hồ Chí Minh, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (đại diện Bộ Tư pháp) đã phối hợp với Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức các hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến đối với một số tổ chức xã hội, nhóm yếu thế và các chuyên gia trong lĩnh vực y tế và luật học về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) theo ba nội dung:

Nội dung thứ nhất (Hội thảo lấy ý kiến về một số quy định liên quan đến quyền của người yếu thế trong xã hội) tổ chức vào sáng ngày 4/2/2015 có sự tham gia của GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, lãnh đạo Vụ Pháp chế Bộ Y tế và hơn 120 đại biểu đến từ Sở Tư pháp, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, đại diện các nhóm yếu thế tại thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khu vực phía Nam. Về cơi bản, các đại biểu đánh giá cao về những định hướng và quy định cụ thể về tôn trọng, bảo vệ quyền con người nói chung, quyền của người yếu thế nói riêng trong dự thảo Bộ luật và đã có thảo luận sôi nổi để góp ý hoàn thiện hơn các quy định có liên quan. Có ý kiến đề nghị, Cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung một số nội dung liên quan đến quyền về hôn nhân và gia đình, quyền an tử (quyền được chết) cho những người bị mắc bệnh nan y không có khả năng chữa trị gây đau đớn kéo dài, quyền của người khuyết tật, quyền công nhận lại giới tính cho những người chuyển đổi giới tính...

Nội dung thứ hai (phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam) tổ chức vào chiều ngày 4/2/2015, có sự tham dự của GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Ông Nguyễn Huy Quang Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế và 30 giáo sư, tiến sỹ, giảng viên đầu ngành Y học của Việt Nam và lãnh đạo các bệnh viện chuyên ngành như Từ Dũ, Phụ sản trung ương, Việt - Đức, An Sinh...  Các đại biểu thảo luận chuyên sâu về Điều 37 “Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể”, Điều 39 “Quyền hiến, nhận mô, bộ phân cơ thể và hiến xác” và Điều 40 “Quyền xác định lại giới tính” của dự thảo Bộ luật. Về cơ bản, các đại biểu nhất trí với nội dung các quy định này và có một số góp ý để hoàn thiện hơn về kỹ thuật và thuật ngữ chuyên môn liên quan đến lĩnh vực y tế. Về vấn đề chuyển giới, các đại biểu đề nghị sử dụng thống nhất thuật ngữ “chuyển đổi giới tính” và đã thảo luận chuyên sâu về những hậu quả về y, sinh học và xã hội đối với người chuyển đổi giới tính. Đa số đại biểu đồng ý với Phương án 2 được nêu tại Điều 40 dự thảo Bộ luật, theo đó, việc chuyển đổi giới tính chỉ được công nhận trong những trường hợp nhất định, nhưng chỉ nên dựa trên các với lý do về y học. Ngành Y tế cần làm rõ các trường hợp này để vừa bảo vệ được quyền của người cần được chuyển đối giới tính, bảo đảm được sự minh bạch, công khai về điều kiện chuyển đổi giới tính và để vừa tránh được sự lạm dụng trái pháp luật trong chuyển đổi giới tính.

Nội dung thứ ba (Tọa đàm đánh giá tác động một số vấn đề lớn trong dự thảo Bộ luật) tổ chức trong hai ngày 05 và 06 tháng 02/2015 có sự tham gia của ông Hoàng Thế Liên, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) thành viên Ban soạn thảo, đại diện Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, đại diện Vụ Pháp luật quốc tế, các chuyên gia RIA, đại diện Tòa dân sự, Tòa kinh tế, các luật sư (Luật sư Trương Thị Hòa, Nguyễn Ngọc Bích, Trần Công Ly Tao...), trọng tài viên của VIAC (Lê Nết, Đỗ Văn Đại), công chứng viên, giảng viên đại học... của Thành phố Hồ chí Minh và một số địa phương. Các đại biểu đã có nhiều ý kiến thảo luận chuyên sâu, đánh giá tác động trên nhiều phương diện khác nhau (lý luận, thực tiễn, yêu cầu hội nhập) trong quy định của Bộ luật hiện hành, trong áp dụng phương án cải cách như dự thảo Bộ luật hoặc áp dụng phương án khác về các vấn đề lớn như: (1) Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự; (2) Hộ gia đình và tổ hợp tác; (3) Hậu quả của giao dịch không tuân thủ quy định về hình thức; (4) Bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu; (5) Điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi; (6) Thế chấp tài sản và (7) Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản; (8) Thời hiệu thừa kế.

Kết quả của các hoạt động nêu trên sẽ được Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế phối hợp với các cơ quan, tổ chức và các đơn vị có liên quan của Bộ và các chuyên gia kịp thời nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động của dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) để báo cáo Lãnh đạo Bộ trong thời gian sớm nhất.