Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế tổ chức tọa đàm triển khai Nghị quyết 49/NQ-CP

18/12/2014
Ngày 12/12, Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế tổ chức tọa đàm “Triển khai Nghị quyết 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ năm 2014 về xây dựng Đề án thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại và xây dựng Quy trình tham vấn các doanh nghiệp theo nguyên tắc công khai, minh bạch của WTO trong việc xây dựng chính sách, pháp luật”.

Tọa đàm có sự tham gia chủ trì của Đồng chí Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế; Luật gia Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Luật sư, Thạc sĩ Luật Phạm Tuấn Anh – Nguyên Chánh tòa Kinh tế Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; Tiến sĩ Lê Văn Cương – Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp; Tiến sĩ Nguyễn Minh Hằng – Trưởng khoa Luật, Đại học Ngoại Thương; Đại diện các văn phòng luật sư và đại diện doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp).

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Đồng chí Dương Đăng Huệ cho biết hiện nay do nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế đã có nhiều đạo luật, pháp lệnh đã được ban hành, tạo khung pháp lý cho các hoạt động xã hội. Tuy hoạt động xây dựng pháp luật đã từng bước được cải thiện nhưng chất lượng hoạt động vẫn chưa đạt yêu cầu, tính khả thi trong các quy định của văn bản luật còn chưa đều, nhiều quy định có tính khả thi thấp, chưa dựa trên các cơ sở thực tiễn vững chắc. Nhiều quy định còn chống chéo, mâu thuẫn, triệt tiêu hiệu lực của nhau. Do đó dẫn đến chất lượng của pháp luật – sản phẩm của hoạt động xây dựng pháp luật, về nhiều mặt, chưa tương thích với tính chất của một nền kinh tế thị trường mở cửa, hội nhập, yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chưa đạt được các “chuẩn” của hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong nội dung xây dựng Quy trình tham vấn các doanh nghiệp theo nguyên tắc công khai, minh bạch của WTO trong việc xây dựng chính sách, pháp luật các đại biểu đã nêu lên những vướng mắc từ thực tiễn của Việt Nam trong hoạt động tham vấn chính sách phù hợp với những tiêu chuẩn chung của WTO. Các đại biểu kiến nghị cần phải nghiên cứu và bài bản về cách thức tham vấn đối tượng chịu sự tác động, cách thức đăng tải và lấy ý kiến về nội dung dự thảo chính sách và dự thảo văn bản sao cho việc tham vấn ý kiến trở nên thuận lợi hơn đối với tổ chức, cá nhân được tham vấn; cơ chế giải trình việc tiếp thu hoặc chưa tiếp thu ý kiến góp ý cũng cần đặc biệt coi trọng để cải thiện; các rào cản về công nghệ, tài chính cũng cần được gỡ bỏ để việc tham vấn đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, tham vấn ý kiến công chúng được thực chất hơn.

Về phần “Đề án thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại” theo Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ thì các đại biểu cho thấy hiện nay, Việt Nam đã là thành viên của tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), quan hệ kinh tế trong nước cũng như quan hệ thương mại quốc tế trở nên sôi động đa dạng và phức tạp. Với mục đích nhằm đạt được lợi nhuận tối đa đã trở thành động lực trực tiếp của các bên tham gia quan hệ kinh tế, đồng thời với sự tác động của các tác động của các quy luật kinh tế thị trường, thì các tranh chấp về kinh doanh – thương mại không những gia tăng mà có chiều hướng ngày càng phức tạp, gay gắt, đòi hỏi có sự quan tâm giải quyết các tranh chấp về kinh doanh thương mại một cách thỏa đáng.

Kết luận tọa đàm, Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu để xây dựng Quy trình tham vấn các doanh nghiệp đảm bảo theo nguyên tắc công khai, minh bạch của WTO trong việc xây dựng chính sách, pháp luật.