Chuyển đổi Phòng Công chứng – Một chủ trương đang đi vào thực tiễn

27/11/2015
Chuyển đổi Phòng Công chứng – Một chủ trương đang đi vào thực tiễn
Chiều ngày 27/11/2015, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Công tác phía Nam – Bộ Tư pháp đã tổ chức Toạ đàm “chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng”. Tham dự Toạ đàm có đại diện của 09 Sở Tư pháp khu vực phía Nam, trên 20 tổ chức hành nghề công chứng, Hội Công chứng viên của TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng. Toạ đàm do ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam chủ trì.

Trong Khu vực hiện có 380 tổ chức hành nghề công chứng (57 Phòng công chứng, 323 Văn phòng công chứng) với 828 công chứng viên (217 Công chứng viên của Phòng công chứng, 611 công chứng viên của Văn phòng công chứng). Căn cứ theo quy định hiện hành 14/25 địa phương trong Khu vực có Phòng công chứng đủ điều kiện thực hiện chuyển đổi, trong đó, Lâm Đồng và Cần Thơ là 2 địa phương tiên phong đã xây dựng Đề án chuyển đổi. Mặc dù, trong quá trình xây dựng Đề án, địa phương đã gặp không ít những ý kiến trái chiều về giá quyền nhận chuyển đổi, trang thiết bị, phương tiện đi lại làm việc và tài sản khác của Nhà nước do Phòng công chứng đó đang quản lý, sử dụng, những lo lắng liên quan đến việc giải quyết các chế độ chính sách đối với các công chứng viên, viên chức, người lao động khi chấm dứt hoạt động của Phòng công chứng ... Những địa phương khác thì đang trong giai đoạn quan sát, chuẩn bị, chờ hướng dẫn…

Tại Toạ đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những khó khăn vướng mắc trong thực tế như phương thức định giá phòng công chứng, quyền lợi của người lao động và công chứng viên khó đảm bảo lâu dài sau khi chuyển đổi Phòng công chứng sang mô hình doanh nghiệp, uy tín của Phòng công chứng chỉ mới định tính chưa có cơ sở để định lượng, việc tổ chức đấu giá trong trường hợp có giá trị lớn, việc quản lý, bảo quản, lưu trữ hồ sơ công chứng qua thời gian tại các Phòng công chứng,…. Đồng thời, các đại biểu lắng nghe kết quả chuyển đổi Phòng công chứng số 2 - Lâm Đồng để có kinh nghiệm thực tế áp dụng tại địa phương, vai trò của Sở Tư pháp trong việc tham mưu UBND tỉnh.

Ghi nhận và cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh “Các địa phương tham dự Toạ đàm đều đồng tình với quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xã hội hóa công chứng được cụ thể hóa trong Nghị định số 29/2015/NĐ-CP. Để chuyển đổi Phòng công chứng một cách thuận lợi, các Sở Tư pháp cần có khảo sát để nắm bắt nhu cầu chuyển đổi, phù hợp với quyền lợi người lao động. Kinh nghiệm của Lâm Đồng và Cần Thơ trong công tác chuyển đổi cũng là những kinh nghiệm thực tế mà các địa phương có thể vận dụng sáng tạo.… Tất cả những ý kiến tại Toạ đàm, chúng tôi sẽ báo cáo đến Lãnh đạo Bộ có ý kiến chỉ đạo”.


Lê Thị Minh Long - Phòng HCTP-BTTP