Tham dự Hội thảo có gần 60 đại biểu là lãnh đạo, đại diện của các Sở, Ban, ngành các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các cơ sở giáo dục, đào tạo ở địa phương, các đơn vị liên kết đào tạo, đơn vị sử dụng lao động, các chuyên gia khoa học và toàn thể công chức, viên chức Nhà trường.
Được thành lập gần 05 năm, Trường Trung cấp Luật Vị Thanh đặc biệt chú trọng thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ. Bên cạnh những thành tựu đạt được, Nhà trường cũng đã gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh và phân luồng tuyển sinh. Do đó, các giải pháp mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo trung cấp Luật là một vấn đề cấp bách, cần được đưa ra tham luận tại Hội thảo nhằm tìm ra hướng đi mới, khả thi giải quyết những khó khăn trong việc đào tạo trung cấp Luật của Nhà trường nói riêng và của hệ thống đào tạo trung cấp trên cả nước nói chung.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã được nghe các tham luận, đồng thời trao đổi, thảo luận tập trung đề cập các vấn đề: nâng cao chất lượng đào tạo Trung cấp Luật, phân luồng tuyển sinh, chương trình đào tạo, con đường liên thông Đại học Luật và xu hướng của thị trường lao động. Trong đó, việc nghiên cứu chuyển đổi mô hình đào tạo trung cấp Luật sang đào tạo nghề Luật được đặc biệt quan tâm nhằm có hướng xây dựng đề án mã ngành mới trong tương lai, phù hợp với nhu cầu thực tế. Các ý kiến đóng góp được đánh giá cao, mang tầm chiến lược, thẳng thắn, đúng trọng tâm, thể hiện trách nhiệm và kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đáp ứng cơ bản mục tiêu của Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hòa Thuận - Trưởng Văn phòng Luật sư Thuận Nguyễn đại diện cho đơn vị sử dụng lao động đã đánh giá cao chất lượng đào tạo của Nhà trường, khẳng định học viên của Trường sau khi tốt nghiệp có đủ trình độ và kỹ năng đáp ứng yêu cầu công tác. Đồng thời, nhấn mạnh sẽ tiếp tục tuyển dụng học viên tốt nghiệp Trung cấp Luật có năng lực vào làm việc tại cơ sở trong thời gian tới.
Đại diện cho đơn vị quản lý, theo dõi và đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực của Khu vực Tây Nam bộ, ông Nguyễn Như Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa xã hội Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đề nghị lãnh đạo các Sở Nội vụ tăng cường công tác quản lý hành chính Nhà nước về quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực hàng năm của địa phương, xác định quy mô đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo phân luồng tuyển sinh tạo cơ sở chung để thực hiện, góp phần tháo gỡ những khó khăn trong công tác tuyển sinh của các Trường hiện nay.
Cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo các cấp ở địa phương đối với Nhà trường trong thời gian qua, đồng chí Lê Tiến Châu khẳng định, đây là động lực mạnh mẽ để tập thể Nhà trường phấn đấu, nỗ lực vượt qua những thử thách, khó khăn trước mắt, tiếp tục sự nghiệp phát triển bền vững gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Trong thời gian tới, Nhà trường tiếp tục phát huy công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn sâu; tăng cường công tác liên kết đào tạo đa ngành, nghề gắn liền với nhu cầu của các đơn vị sử dụng lao động; nghiên cứu việc thành lập bộ phận chuyên trách công tác tuyển sinh gắn liền với công tác tuyển dụng đúng chuyên môn để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tuyển sinh của Trường; Phát huy vai trò của Hội đồng Khoa học và đào tạo; nghiên cứu khung chương trình đào tạo, thiết kế lại giáo trình giảng dạy gắn với nhu cầu xã hội,… Đồng chí đề cao vai trò của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ trong việc quyết tâm thực hiện đúng yêu cầu về phân luồng tuyển sinh tạo cơ sở cho các Trường thực hiện, hỗ trợ tích cực trong việc nghiên cứu, thay đổi chương trình đào tạo, hướng đến chương trình liên thông Đại học của Nhà trường. Bên cạnh đó, đồng chí bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các đơn vị trong việc mở các lớp Trung cấp Luật và hỗ trợ cho học viên của Trường có điều kiện đi thực tế.
Nguyễn Na