Thống nhất hướng dẫn một số vướng mắc liên quan đến việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai

01/08/2014
Sáng ngày 31/7/2014, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã tổ chức cuộc họp để thảo luận, thống nhất nội dung hướng dẫn đối với một số vướng mắc của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai được quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT (sau đây gọi là TTLT số 01).

Cuộc họp có sự tham gia của đại diện Lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Pháp chế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Vụ Pháp chế - Bộ Xây dựng, Cục Đăng ký và thống kê đất đai, Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường, một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Cục Bổ trợ tư pháp, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế).  

Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị đã trao đổi, thống nhất một số nội dung hiện còn có ý kiến khác nhau của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức hành nghề công chứng, chủ đầu tư dự án, các tổ chức tín dụng như: Mối quan hệ giữa Thông tư số 08/2014/TT-BTP và TTLT số 01, cụ thể  đối tượng điều chỉnh của 02 Thông tư này khác nhau, theo đó Thông tư số 08/2014/TT-BTP điều chỉnh việc đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai (sau đây gọi là nhà ở HTTTL) tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản, trong khi TTLT số 01 điều chỉnh việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai; Việc bên nhận thế chấp được quyền lựa chọn áp dụng Thông tư số 08/2014/TT-BTP (nếu tài sản thế chấp là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai) hoặc TTLT số 01 (nếu tài sản thế chấp là nhà ở hình thành trong tương lai) trên cơ sở đánh giá, phân tích từng trường hợp cụ thể khi cho vay. Với đối tượng tài sản bảo đảm khác nhau như vậy nên cơ chế pháp lý khi xử lý tài sản bảo đảm đối với 02 loại tài sản nêu trên cũng hoàn toàn khác nhau đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNNVN ngày 06/6/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm.

Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi, thống nhất một số nội dung liên quan đến quy định về điều kiện để nhà ở HTTTL được thế chấp, việc xác định giá trị nhà ở HTTTL khi thế chấp, việc chuyển tiếp đăng ký thế chấp nhà ở HTTTL, hồ sơ thế chấp nhà ở HTTTL, việc rút bớt tài sản thế chấp của chủ đầu tư...

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của đại diện các đơn vị dự họp, ông Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã nêu bật một số nội dung cần được các Bộ, ngành hướng dẫn, cũng như nội dung thống nhất hướng dẫn để bảo đảm Thông tư liên tịch nêu trên được áp dụng đầy đủ, chính xác. Trên cơ sở cuộc họp, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm có trách nhiệm tổng hợp, phối hợp với các đơn vị có liên quan soạn thảo nội dung hướng dẫn, trình Lãnh đạo các Bộ, ngành xem xét, quyết định để kịp thời phát huy hiệu lực, hiệu quả của TTLT số 01.

                                                                Nguyễn Hoa