Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

27/12/2013
Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Thực hiện Quyết định số 1684/QĐ-BTP ngày 05/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Công tác phía Nam và Kế hoạch số 63/KH-CQĐD ngày 07/3/2013 về công tác năm 2013 và nhu cầu trao đổi kinh nghiệm trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Cục Công tác phía Nam đã xây dựng Kế hoạch tổ chức Tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”.

Thông qua Tọa đàm, Lãnh đạo Bộ Tư pháp triển khai những nội dung cơ bản của Đề án xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất về công tác thi hành về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương ban hành kèm theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Các Sở Tư pháp trong khu vực phía Nam chia sẻ cách làm hay, sáng tạo; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trên cơ sở đó, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tư pháp kịp thời nắm bắt và tổng hợp những kiến nghị của địa phương để tham mưu Lãnh đạo Bộ có hướng chỉ đạo….

Với mục đích này, sáng ngày 27/12/2013 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang, Cục Công tác phía Nam đã phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang tổ chức Tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính” do đồng chí Lê Tiến Châu - Cục trưởng Cục công tác phía Nam; đồng chí Đặng Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp Quốc gia và đồng chí Phạm Văn Trọng - Giám đốc Sở Tư pháp đồng chủ trì. Đến dự Tọa đàm còn có sự tham dự của đồng chí Trần Kim Mai - Ủy  viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND Tỉnh và 70 đại biểu đến từ 17 Sở Tư pháp trong khu vực phía Nam; các Sở, ban, ngành và Trưởng phòng Tư pháp các huyện, thị của tỉnh Tiền Giang…

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã nghe Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp Quốc gia triển khai Quyết định 1950/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương"; 6 bài tham luận và nhiều ý kiến chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện có hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, Sóc Trăng và Đồng Tháp là hai địa phương trong khu vực phía Nam đã có sự chủ động triển khai công tác này trước khi Luật Xử lý vi phạm hành chính được ban hành và có hiệu lực. Chỉ trong thời gian ngắn nhưng hai địa phương này có có nhiều hoạt động và rút ra một số kinh nghiệm quý báu trong việc tham mưu cho UBND trong việc triển khai thực hiện công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật cũng như trong quá trình thực hiện cần phải có: (i) Sự chủ động nghiên cứu, tham mưu tổ chức thực hiện; (ii) sự kết hợp trong quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ khác của cơ quan, đặc biệt là công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật hàng năm; (iii) Khi thực hiện phải quyết liệt, phải có kết luận cuối cùng để đảm bảo tính minh bạch đồng thời phải hướng dẫn cụ thể, chính xác đối với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình thực hiện áp dụng xử lý vi phạm hành chính; (iv) Phải bố trí cán bộ, công chức giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ chịu khó nghiên cứu, tìm tòi, chủ động tham mưu và hướng dẫn, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc khi địa phương, cơ quan, cá nhân có nhu cầu.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu lên rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai công tác này. Theo đó, đây là lĩnh vực mới với nhiệm vụ khó khăn, liên quan đến nhiều ngành, nhưng trong điều kiện siết chặt việc tăng biên chế như hiện nay thì nguồn lực về kinh phí và biên chế để thực hiện công tác này chưa đảm bảo, rất khó để triển khai. Đồng thời, phạm vi nội hàm giữa hai công tác: Quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính với theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa được phân định rõ. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong việc phân định chức năng, nhiệm vụ cho các địa phương theo Đề án ban hành tại Quyết định 1950/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 phải thành lập Phòng Quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cũng như quá trình thực hiện công tác báo cáo giữa hai đơn vị này thuộc Sở Tư pháp có sự trùng lắp. Ngoài ra, công tác thống kê, báo cáo chưa có quy định cụ thể cơ quan nào sẽ phải thực hiện vì theo quy định, Sở Tư pháp chỉ là cơ quan tham mưu và làm đầu mối đối với công tác này.

Từ những khó khăn như trên, các Sở Tư pháp cũng được đưa ra nhiều kiến nghị với mong muốn Bộ Tư pháp sớm có những định hướng cơ bản và hướng dẫn cụ thể đối với những khó khăn chung của địa phương. Từ đó, Sở Tư pháp mới có thể triển khai công tác này nhanh chóng, đáp ứng đúng yêu cầu của quy định đề ra.

Thay mặt Cục Công tác phía Nam và Ban Tổ chức, đồng chí Lê Tiến Châu cho rằng đây là công tác mới nên với những ý kiến đóng góp của đại biểu là rất sát đáng và bổ ích để Bộ Tư pháp có cơ sở và kịp thời đưa ra những chỉ đạo. Đồng thời, đồng chí cũng đã gửi lời cảm ơn chân thành đến Lãnh đạo UBND tỉnh và Sở Tư pháp Tiền Giang đã tạo điều kiện để Tọa đàm được tổ chức thành công tốt đẹp; sự tham gia nhiệt tình của các đại biểu đại diện cho các Sở Tư pháp trong khu vực phía Nam trong bề bộn công việc cuối năm nhưng vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác mới – quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính” và đến tham dự Tọa đàm này.

Thùy Dung – Cục Công tác phía Nam