Tổ chức đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học

21/10/2013
Tổ chức đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học
Ngày 18/10/2013, Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học Học viện Tư pháp đã họp đánh giá nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu nhu cầu, điều kiện, giải pháp xây dựng và phát triển chương trình bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội tại Học viện Tư pháp" do TS. Trương Hồng Hải làm chủ nhiệm.

Đứng trước yêu cầu của xã hội về việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bên cạnh hoạt động đào tạo, hoạt động bồi dưỡng đang dần trở nên có vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được về số lượng, chất lượng thì đồng thời còn cho thấy trong việc triển khai hoạt động bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập dẫn đến việc triển khai hoạt động bồi dưỡng chưa thực sự đáp ứng nhu cầu xã hội trong lĩnh vực bồi dưỡng nguồn nhân lực cũng như chưa xứng với vị thế và tiềm năng của Học viện. Một trong những tồn tại đó là khâu xây dựng chương trình bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội. Việc xây dựng chương trình bồi dưỡng nhìn chung vẫn đang trong tình trạng tự phát, kinh nghiệm chủ nghĩa, được triển khai thực hiện bởi một số các chuyên gia nhằm đáp ứng các yêu cầu tình thế mà chưa được triển khai một cách bài bản với một hệ thống phương pháp, cơ chế đồng bộ. Những tồn tại nêu trên đang trở thành một thách thức đối với các cơ sở đào tạo nói chung và Học viện Tư pháp nói riêng.

Nhằm củng cố và từng bước nâng cao chất lượng của hoạt động bồi dưỡng cần phải triển khai hàng loạt các yêu cầu, giải pháp từ cơ chế, chính sách cho đến các giải pháp có tính kỹ thuật, cụ thể giữa các ngành, các cấp, địa phương cũng như tại các cơ sở đào tạo. Một trong những giải pháp được cho là thiết yếu, có tính căn bản hiện nay đó chính là sự nhận thức đúng đắn cũng như tiến hành triển khai một cách khoa học, đồng bộ hoạt động xây dựng Chương trình bồi dưỡng.

Trên cơ sở cách tiếp cận đó, nhóm tác giả đề tài "Nghiên cứu nhu cầu, điều kiện, giải pháp xây dựng và phát triển chương trình bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội tại Học viện Tư pháp" tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận, cơ chế, giải pháp nhằm làm sáng rõ, cung cấp các kết quả nghiên cứu với mục đích triển khai một cách hiệu quả việc xây dựng cũng như đảm bảo áp dụng chương trình bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội tại Học viện Tư pháp trong giai đoạn 2013-2015, định hướng 2020.

Nhóm tác giả đề tài đã tập trung nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề lý luận căn bản về chương trình bồi dưỡng và xây dựng chương trình bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội. Những vấn đề lý luận được đề cập phân tích trong đề tài đã thể hiện được sự tích hợp những kết quả nghiên cứu khoa học của các công trình nghiên cứu trong nước cũng như có sự tham chiếu kinh nghiệm nước ngoài. Bên cạnh đó nhóm tác giả cũng có sự chú ý khảo sát, đúc rút kinh nghiệm trong lĩnh vực có liên quan của các cơ sở đào tạo trong nước. Đề tài đã phân tích một cách khách quan và khá toàn diện về thực trạng của công tác xây dựng chương trình bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội tại Học viện Tư pháp trong thời gian qua cũng như nhận diện về những yêu cầu, định hướng đối với công tác xây dựng chương trình bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội tại Học viện Tư pháp trong giai đoạn hiện tại cũng như định hướng đến 2020. Đồng thời, đề tài đã đề cập phân tích một số nhóm các giải pháp quan trọng đối với việc kiện toàn chất lượng hoạt động xây dựng chương trình bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội tại Học viện Tư pháp giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn 2020.

Các kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp thông tin hữu ích đối với việc đánh giá cũng như hoạch định chính sách bồi dưỡng nói chung cũng như đối với công tác xây dựng chương trình bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội tại Học viện Tư pháp trong thời gian tới.

            Thanh Hương