Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến: Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã giúp công tác quản lý Luật sư hiệu quả hơn

10/10/2013
Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến: Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã giúp công tác quản lý Luật sư hiệu quả hơn
Kể từ khi ra đời đến nay Liên đoàn Luật sư (LS) Việt Nam đã phát huy vai trò tự quản trong việc quản lý hoạt động LS và đã đạt được một số kết quả tích cực, dù vẫn còn tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới. Đó là nhận xét của Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến khi trao đổi về vai trò của Liên đoàn LS Việt Nam sau hơn 4 năm thành lập nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống LS Việt Nam (10/10/2013).

Tự quản giúp khẳng định vị trí của Liên đoàn

* Thưa Cục trưởng, từ góc độ đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đối với hoạt động LS, bà có đánh giá như thế nào về hoạt động tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của LS sau khi Liên đoàn LS Việt Nam được thành lập?

Trong những năm qua hoạt động tự quản của các Đoàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đa số các Đoàn có sự nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành, thực hiện tương đối tốt công tác giám sát, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của LS. Một số đoàn đã có nhiều hoạt động thiết thực để các LS thành viên trao đổi những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động hành nghề cũng như chú trọng công tác bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp cho LS.

Qua hơn 04 năm thành lập và đi vào hoạt động, LĐLS Việt Nam đã bước đầu triển khai thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Ngoài công tác kiện toàn về tổ chức, ban hành các quy chế nội bộ và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp và ứng xử LS Việt Nam, Liên đoàn cũng chú trọng đến việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của LS, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, qui tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của LS, thiết lập quan hệ và tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quy chế phối hợp công tác và đang phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao xây dựng một quy chế tương tự.

Bên cạnh đó, LĐLSVN cũng tích cực, chủ động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia các đề án cải cách tư pháp và pháp luật, cũng như các hoạt động xã hội, được các cấp, các ngành đánh giá cao.

Có thể nói, trong thời gian qua, công tác tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của LS đã đạt được những kết quả quan trọng, dần khẳng định được vị trí, vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của LS trong công tác quản lý đội ngũ LS.

* Bên cạnh những kết quả  đã đạt được, theo Cục trưởng, hoạt động tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của LS còn có những tồn tại, hạn chế nào cần phải khắc phục?

Hoạt động tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của LS cũng còn bộc lộ một số tồn tại hạn chế cần khắc phục. Cụ thể là, một số tổ chức xã hội - nghề nghiệp của LS do chưa hiểu đúng về vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động LS nên còn quá đề cao vai trò tự quản của mình. Hoạt động quản lý, điều hành của một số Ban Chủ nhiệm Đoàn LS còn chưa hiệu quả, công tác giám sát việc tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của LS còn mang tính hình thức, các Đoàn LS chưa có kế hoạch “dài hơi” trong việc xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế cận trẻ, có uy tín và kinh nghiệm trong hoạt động hành nghề…

Liên đoàn LS Việt Nam vẫn đang trong quá trình củng cố, kiện toàn nên chưa phát huy hết hiệu quả tự quản và vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở Trung ương, chưa thực sự tập hợp, phát huy một cách đầy đủ, hiệu quả trí tuệ của đội ngũ LS, đặc biệt là LS tại hai Đoàn LS lớn (Hà Nội, TP.HCM) tham gia vào các hoạt động của Liên đoàn, cũng như chưa thu hút được đội ngũ LS trẻ, có kinh nghiệm, kiến thức pháp luật và kỹ năng hành nghề LS quốc tế, thông thạo ngoại ngữ, đáp ứng nhu cầu hội nhập tham gia vào các Ban lãnh đạo của Liên đoàn nói chung và các hoạt động của Liên đoàn nói riêng, công tác phối hợp của Liên đoàn LS Việt Nam với Bộ Tư pháp trong việc quản lý hoạt động LS đôi lúc còn chưa được nhuần nhuyễn và chặt chẽ.

Nhà nước hỗ trợ nhưng LS cần tự nỗ lực

* Trong thời gian qua, Nhà nước đã có nhưng chính sách hỗ trợ thiết thực đối với hoạt động LS, xin Cục trưởng cho biết, sự hỗ trợ đó thời gian qua đã được thực hiện như thế nào?

Về hỗ trợ phát triển tổ chức, hoạt động LS trước hết phải nhắc đến việc hoàn thiện thể chế và xây dựng chính sách phát triển nghề LS để tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về LS cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hành nghề của LS và hoạt động của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp của LS. Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế về LS, Bộ Tư pháp còn tập trung vào việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành các chiến lược, chính sách phát triển nghề LS, coi đây là một “công cụ” quan trọng để định hướng sự phát triển đội ngũ LS như Đề án về thành lập Tổ chức LS toàn quốc tạo điều kiện cho Liên đoàn LS Việt Nam, Chiến lược phát triển nghề LS đến năm 2020, Đề án đào tạo cấp tốc LS, chuyên gia pháp luật phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế và Đề án phát triển đội ngũ LS phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế .

Tại địa phương, tính đến tháng 8/2013 đã có 32/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Đề án phát triển đội ngũ LS phục vụ hội nhập và 23/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nghề LS đến năm 2020 trên địa bàn.

Trong những năm qua, Bộ Tư pháp đã tranh thủ sự hợp tác với một số dự án nước ngoài trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật để hỗ trợ việc nâng cao năng lực của đội ngũ LS, có chính sách đào tạo nghề LS miễn phí cho những địa phương có khó khăn. Các địa phương cũng đã quan tâm nhiều hơn đến tổ chức và hoạt động LS thông qua việc cấp trụ sở, kinh phí hoạt động ban đầu cho Đoàn LS, tạo điều kiện cho các tổ chức hành nghề LS trong hoạt động hành nghề, thực hiện miễn, giảm thuế cho các tổ chức hành nghề LS theo qui định của pháp luật.

Bộ Tư pháp với chức năng quản lý nhà nước về hoạt động LS đã tổ chức nhiều khóa đào tạo nghề LS, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các LS, kiểm tra, thanh tra tổ chức và hoạt động hành nghề LS để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các LS, tổ chức hành nghề LS trong quá trình hoạt động, phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật, qui tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của LS góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương xã hội, uy tín của LS.

Đó vừa là những hoạt động để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động LS của Bộ Tư pháp, vừa là những hỗ trợ từ phía Nhà nước cho hoạt động LS. Chúng tôi hy vọng, cùng với nỗ lực của Liên đoàn, các LS và sự hỗ trợ của Nhà nước, hoạt động LS sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng được yêu cầu đối với sự phát triển của đội ngũ và hoạt động LS thời kỳ hội nhập.

Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

Hương Giang (thực hiện)