Tọa đàm về công tác pháp chế ngành và phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”

13/09/2013
Tọa đàm về công tác pháp chế ngành và phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”
Thực hiện Kế hoạch số 317/KH-CCTPN ngày 29/8/2013, sáng ngày 12/9/2013, Cục Công tác phía Nam đã tổ chức Tọa đàm về công tác pháp chế Ngành và phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”. Tọa đàm do đồng chí Lê Tiến Châu - Cục trưởng Cục công tác phía Nam và đồng chí Nguyễn Bá Yên - Vụ trưởng vụ Thi đua – Khen thưởng đồng chủ trì, với sự tham dự của trên 30 đại biểu đến từ 13 Sở Tư pháp, 2 Cục Thi hành án dân sự (thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai) và đại diện pháp chế của một số sở, ngành tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã nghe 8 bài tham luận và nhiều ý kiến chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện có hiệu quả công tác pháp chế Ngành và quá trình triển khai thực hiện phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”. Theo đó, các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ đã chủ động sắp xếp biên chế hiện có để thành lập đủ 14 phòng pháp chế các sở theo quy định; Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giao ban pháp chế tất cả các sở, ngành trên địa bàn định kỳ 3 tháng/lần để cùng trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ; Công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý đã được triển khai sâu rộng đến tận các xã thực hiện thí điểm nông thôn mới; lồng ghép phong trào thi đua vào công tác chuyên môn….

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu lên một số khó khăn, hạn chế trong hai công tác này như: Điều kiện để bổ nhiệm trưởng phòng pháp chế theo quy định cao nên không có nguồn; Phụ cấp cho cán bộ làm công tác pháp chế chưa có nên không thu hút được nguồn nhân lực; Biên chế không được phê duyệt tăng thêm nên nhiều sở, ngành chưa thể thành lập phòng pháp chế theo quy định; Cán bộ làm công tác pháp chế chuyên trách còn ít, phần lớn là kiêm nhiệm, bên cạnh đó số lượng cán bộ vừa có trình độ chuyên môn vừa là cử nhân luật hiện rất ít hoặc có những sở, ngành không có cán bộ có trình độ về luật pháp; Bộ Tư pháp chưa có hướng dẫn và bảng tiêu chí cụ thể về phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” nên địa phương còn gặp nhiều lúng túng trong quá trình triển khai; không có kinh phí hoạt động nên phong trào thi đua chưa được sôi nổi…..

Từ những khó khăn như trên, nhiều kiến nghị cũng được đưa ra nhằm hoàn thiện công tác pháp chế Ngành cũng như việc triển khai phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” đạt hiệu quả cao trong thời gian tới như:  Bộ Tư pháp cần phối hợp với Bộ Nội vụ để giải quyết vấn đề biên chế cho các sở, ngành để thành lập Phòng Pháp chế đúng quy định và phối hợp với Bộ Tài chính để cụ thể hóa khoản 2, điều 12, Nghị định 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 về phụ cấp cho cán bộ làm công tác pháp chế; Thường xuyên mở các lớp tập huấn để bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác pháp chế; sớm ban hành bộ tiêu chí cụ thể về công tác tư pháp trong phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”.

Trần Phương Thanh