Hội thảo khoa học: Về mô hình lý luận của hệ thống thể chế hòa giải ở Việt Nam

28/05/2013
Hội thảo khoa học: Về mô hình lý luận của hệ thống thể chế hòa giải ở Việt Nam
Vừa qua, tại thị xã Cửa Lò - tỉnh Nghệ An, Ban chủ nhiệm đề tài khoa học độc lập cấp nhà nước: “Thể chế hòa giải ở Việt Nam – Những vấn đề lịch sử và đương đại” đã phối hợp với cơ quan chủ quản đề tài là Nhà xuất bản Tư pháp và các đơn vị có liên quan tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Về mô hình lý luận của hệ thống thể chế hòa giải ở Việt Nam”. PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, Uỷ viên chuyên trách - Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương - Chủ nhiệm đề tài và ThS. Nguyễn Kim Tinh, Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, đại diện một số tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động thực tiễn đến từ Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Nội vụ, Học viện Tư pháp, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp; Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An và một số cơ quan, tổ chức khác.

Tại Hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ các nội dung chính sau: xu hướng phi tố tụng hóa khi giải quyết các tranh chấp kinh tế, dân sự; cơ sở phương pháp luận của việc lựa chọn mô hình tổ chức hòa giải  tranh chấp kinh tế ở Việt Nam; thiết kế mô hình hòa giải ngoài tòa án đối với các vụ án dân sự trong cải cách tư pháp; mô hình hòa giải các xung đột trong cộng đồng dân cư; thực tiễn hòa giải của tòa án và những vấn đề đặt ra về đổi mới công tác hòa giải trong các loại hình tố tụng.

Các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề cụ thể theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020" đối với chế định hòa giải; sự cần thiết và những đòi hỏi khách quan, cấp bách của việc tăng cường phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và trong xây dựng thể chế cho hòa giải hiện nay; sự lựa chọn có tính bứt phá mô hình giải quyết tranh chấp kinh tế, dân sự trong tình hình mới; những kinh nghiệm nước ngoài và khả năng vận dụng vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của Việt Nam...

Thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài, PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các đại biểu, ghi nhận nhiều ý kiến của các đại biểu về xây dựng và hoàn thiện thể chế hoà giải ở Việt Nam và đưa ra các phương án, mô hình lý luận khung của hệ thống thể chế này. Đó có thể là một đạo luật về hoà giải nói chung, nhưng cũng có thể là một đạo luật về hoà giải ngoài tố tụng, hoặc cũng có thể là một đạo luật về hoà giải ở cơ sở nhưng có phạm vi và mức độ điều chỉnh rộng hơn nhiều so với Pháp lệnh Hoà giải ở cơ sở năm 1998.

Ban Thư ký Đề tài