Trường trung cấp Luật Đồng Hới triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiên cán bộ, giáo viên, nhân viên về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

15/03/2013
Trường trung cấp Luật Đồng Hới triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiên cán bộ, giáo viên, nhân viên về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Cùng với các hoạt động triển khai kế hoạch góp ý sửa đổi Dự thảo Hiến pháp 1992, Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh khóa 2, các hoạt động chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ... Sáng 8/3/2013, Trường trung cấp Luật Đồng Hới đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cán bộ, giáo viên, nhân viên về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tham gia Hội nghị có đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình, Trường Trung cấp kỹ thuật Công nông nghiệp tỉnh Quảng Bình, TS. Đỗ Đức Hồng Hà, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Nhà trường cùng toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trường Trung cấp Luật Đồng Hới.

Hội nghị đã tổng hợp được nhiều ý kiến góp ý quan trọng cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), được nghe 9 ý kiến góp ý của đại diện các phòng, khoa, các em học sinh và đã thảo luận xung quanh các vấn đề như việc giải thích từ ngữ; các quy định về quyền sở hữu đất đai; các quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng; các quy định về hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về công tác hòa giải tranh chấp đất đai v.v...

Đến tham dự Hội nghị, đồng chí Phạm Tiến Cảm, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình đã có ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và định hướng để Nhà trường tiếp tục triển khai lấy ý kiến cán bộ, giáo viên, nhân viên về các vấn đề: phân biệt quyền sở hữu và quyền sử dụng đất; cơ chế kiểm soát quản lý Nhà nước nên quy định thẩm quyền riêng biệt cho cá nhân hay tập thể nào; nên quy định rõ về việc giải thích từ ngữ; vấn đề về nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; hoạt động định giá đất trong việc thu hồi; có nên nâng thời hạn sử dụng đất lên hay không?; vấn đề thế chấp quyền sử dụng đất tại các ngân hàng nước ngoài nên quy định như thế nào cho phù hợp; trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng chưa được quy định rõ; nên đề cao vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở; các quyền về đất đai cần được điều chỉnh phù hợp hơn với truyền thống, tập quán quản lý và sử dụng đất của các cộng đồng dân tộc thiểu số...

 

Kết luận Hội nghị, TS. Đỗ Đức Hồng Hà, Bí thư Chi bộ, Hiệu trường Nhà trường phát biểu:Đất đai là vấn đề lớn, phức tạp và rất nhạy cảm, tác động trực tiếp đến kinh tế, chính trị, xã hội, sự ổn định và phát triển của đất nước. Đất đai có vai trò vô cùng quan trọng và quyết định sự sống còn của mỗi cá nhân chúng ta, bởi vì: Thứ nhất, giá trị của đất khó kiểm soát, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các chủ thể tham gia vào quá trình sử dụng đất... Thứ hai, đầu cơ bất động sản trong đó có đầu cơ đất ngày càng gia tăng, dẫn đến nhiều hậu quả xấu...Thứ ba, tình trạng tham nhũng ngày càng trầm trọng, đặc biệt là việc lạm dụng chức quyền để lấy đất của nhân dân, gây ra tình trạng người dân mất đất, không có đất để sinh sống. Vấn nạn tham nhũng có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển cũng như sự tồn tại của đất nước. Điều đầu tiên mà tham nhũng mang lại là việc cản trở Việt Nam hội nhập quốc tế... Mặt khác, tham nhũng cũng làm cho Đảng và chính quyền ta suy yếu; làm mất lòng tin trong nhân dân. Đảng ta đã xác định tham nhũng là nguy cơ làm sụp đổ chế độ. Nếu chúng ta không giải quyết được vấn nạn này, để mất đi niềm tin trong nhân dân thì nguy cơ sụp đổ chính quyền là rất lớn”.

Ngoài ra, đồng chí còn góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi hai vấn đề về thẩm quyền xét duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Các ý kiến đóng góp tại Hội nghị sẽ được Ban thư ký tổng hợp và báo cáo về Bộ Tư pháp và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình. Hội nghị đã huy động được trí tuệ, tâm huyết cũng như nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên đối với Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Hoàng Thủy – Thu Phương