Tọa đàm góp ý dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về xử lý tài sản bảo đảm

31/01/2013
Tọa đàm góp ý dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về xử lý tài sản bảo đảm
Sáng nay – 31/01, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm phối hợp với Dự án JICA (Nhật Bản) tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về xử lý tài sản bảo đảm, với sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành liên quan và một số tổ chức tín dụng (ngân hàng). Tọa đàm do ông Vũ Đức Long – Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm chủ trì và còn có sự tham dự của ông Tatara Shuruku (chuyên gia pháp luật dài hạn của Dự án JICA).

Giới thiệu về dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn về xử lý tài sản bảo đảm, ông Hồ Quang Huy (Trưởng phòng nghiệp vụ - Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm) cho biết, trong thời gian qua, các quy định về giao dịch bảo đảm đã không ngừng được hoàn thiện, góp phần tăng cường quyền tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận của các bên khi tham gia vào quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Tuy nhiên, quá trình áp dụng các quy định về xử lý tài sản bảo đảm vẫn còn tồn tại một số bất cập như bên nhận bảo đảm chưa có được quyền chủ động khi tiến hành xử lý tài sản bảo đảm, dẫn đến tình trạng nợ xấu kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán, gây rủi ro cho bên nhận bảo đảm. Việc xử lý tài sản bảo đảm theo con đường tố tụng mất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp… ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, đầu tư của bên nhận bảo đảm. trong nhiều trường hợp, bên nhận bảo đảm thắng kiện nhưng vẫn không đảm bảo chắc chắn có thể xử lý được tài sản bảo đảm trên thực tế…

 

Để Thông tư liên tịch này tháo gỡ được những vướng mắc trong thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm, qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, rút ngắn thời gian cho các ngân hàng thu hồi nợ thì vẫn còn một số vấn đề cần có sự thống nhất như phạm vi điều chỉnh, về sự hỗ trợ của Ủy ban nhân dân trong quá trình người xử lý tài sản thu giữ tài sản bảo đảm, tăng cường tính chủ động của bên có quyền xử lý tài sản bảo đảm, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản sau khi xử lý tài sản bảo đảm…

Các đại biểu tham dự đã chỉ ra những vướng mắc trong quá trình thu giữ tài sản trên thực tế và chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản trên giấy tờ trên cơ sở những quy định pháp luật hiện hành và những vấn đề cụ thể phát sinh trên thực tế xử lý tài sản bảo đảm. Từ đó, kiến nghị, cần có cơ chế thực tế hơn để thực hiện được quy định về bàn giao tài sản, tăng tính chủ động của bên nhận bảo đảm trong quá trình thu hồi tài sản, mọi hành vi cản trở đều bất hợp pháp và có chế tài phù hợp, bảo đảm quyền ưu tiên thanh toán, trình tự, thủ tục để tổ chức tín dụng yêu cầu bán đấu giá tài sản bảo đảm khi bên thế chấp tài sản “chây ỳ”, không hợp tác thực hiện thỏa thuận theo hợp đồng bảo đảm… Các tổ chức tín dụng cũng mong muốn có sự tham gia của chính quyền trong việc cưỡng chế, thu hồi tài sản vì “không có chính quyền thì không làm được” như nhận định của đại diện Cục Quản lý nhà và bất động sản (Bộ Xây dựng)…

Ghi nhận các ý kiến góp ý, ông Vũ Đức Long cho rằng, xử lý tài sản bảo đảm “đụng chạm” đến nhiều cơ quan, nhiều vấn đề nên cần tính đến việc ngân hàng bình đẳng khi ký hợp đồng vay nợ, còn không thể bình đẳng khi một bên “chây ỳ”, trốn nợ. Do đó, Thông tư liên tịch này cần “lách trong lối đi hẹp của các văn bản pháp luật hiện hành” để đưa ra được cơ chế, trình tự, thủ tục đảm bảo sự ổn định của quan hệ vay nợ, tôn trọng pháp luật, không cho lạm dụng pháp luật để trốn tránh trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ đã được cam kết….

Dự kiến, Thông tư này sẽ được ban hành trong quý I/2013 để các tổ chức tín dụng và các cơ quan hữu quan trọng lĩnh vực giao dịch bảo đảm góp phần xử lý được những vấn đề bức xúc hiện nay, giải quyết được “núi” nợ của ngân hàng./.

H.Giang, ảnh Cục CNTT


Thùy Dương