Cục Trợ giúp pháp lý - Kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”

24/01/2013
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết, theo sự chỉ đạo của Đảng ủy Bộ Tư pháp, Chi bộ Cục Trợ giúp pháp lý đã tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung Nghị quyết tới toàn thể đảng viên trong Chi bộ, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi đảng viên và triển khai thực hiện trên thực tế theo từng vị trí, cương vị công tác của mỗi đảng viên. Đồng thời, Chi bộ cũng đã chỉ đạo Ban Chấp hành Công đoàn, Ban Nữ công triển khai quán triệt, học tập Nghị quyết tới toàn thể đoàn viên của tổ chức mình và xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết.

Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết, Cục Trợ giúp pháp lý đã thành lập Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ của Cục Trợ giúp pháp lý gồm 03 thành viên do đồng chí Phó Cục trưởng làm Trưởng ban có chức năng tham mưu, giúp Cục trưởng Cục TGPL thực hiện hoạt động vì sự tiến bộ của Cục.

Cùng với việc thành lập Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ của Cục Trợ giúp pháp lý, Tổ Nữ công thuộc Công đoàn Cục đã được thành lập (từ năm 2002) cũng được kiện toàn.

Ngày 14/5/2012, sau khi Tổ Công đoàn được nâng cấp lên thành Công đoàn cơ sở, Ban Nữ công của Cục TGPL đã được thành lập theo Quyết định số 01/QĐ- CĐ ngày 14/5/2012 gồm 03 đồng chí với chức năng, nhiệm vụ theo đúng quy định của Điều lệ Công đoàn.

Với việc triển khai trên, sau 05 năm thực hiện Nghị quyết, nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong Cục đã có những chuyển biến nhất định. Trong cơ cấu Chi ủy, lãnh đạo Cục, Ban Chấp hành Công đoàn, Ban Chấp hành Chi đoàn luôn luôn có tối thiểu 01 cán bộ nữ. Vai trò của phụ nữ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Cục, các đoàn thể đã được đề cao. Trung bình hàng năm, các cán bộ, công chức, viên chức nữ đều được Cục quan tâm cử tham dự các lớp đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, lý luận chính trị cao cấp theo đúng  yêu cầu của vị trí công tác và nguyện vọng, khả năng, điều kiện của từng người.

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới, trong những năm qua, Cục đã tích cực xây dựng, hoàn thiện và thực hiện hệ thống pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu; xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học nữ, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá

Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ, Cục đã chủ động nghiên cứu xây dựng và trình ban hành Thông tư số 07/2011/TT-BTP ngày 31/03/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động TGPL. Thông tư này tạo cơ sở cho việc bố trí cân đối nguồn nhân lực để bảo đảm TGPL cho phụ nữ, trẻ em gái, đồng thời góp phần vào việc nâng cao chất lượng TGPL và nâng cao nhận thức về quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, hướng dẫn để tổ chức thực hiện được Luật bình đẳng giới và Luật phòng chống bạo lực gia đình, đồng thời, xác định cơ chế thực hiện TGPL trên cơ sở giới và cơ chế phối hợp giữa các tổ chức TGPL và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc phòng, chống các hành vi xâm phạm quyền của phụ nữ, nâng cao hiệu quả hoạt động TGPL trên cơ sở giới.

Bên cạnh đó, Cục chủ động xây dựng và thực hiện các Đề án: “TGPL cho phụ nữ người dân tộc thiểu số”; “Đề án TGPL cho phụ nữ là nạn nhân bị mua bán”. Tất cả các văn bản trên đã góp phần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam ở tất cả các vũng miền đều có điều kiện phát triển.

Với phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, dù ở cương vị nào các đồng chí nữ cán bộ, công chức, viên chức của Cục TGPL cũng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Nhiều đồng chí có thành tích cao trong công tác mà vẫn xây dựng được mái ấm gia đình chính là nhờ phong trào “Hai giỏi” của Công đoàn, 100% các đồng chí nữ đều đạt danh hiệu lao động tiên tiến, nhiều đồng chí đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen. Một số cá nhân đã vinh dự được lựa chọn là cá nhân điển hình tiên tiến, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen nhân dịp Đại hội thi đua yêu nước lần thứ III; được lựa chọn là cá nhân điển hình ngành Tư pháp đi dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ II của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; được vinh danh "Gương sáng Tư pháp" do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức và được Uỷ ban Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2010 trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2010 nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Trong những năm qua đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ của Cục TGPL không ngừng phát triển về số lượng, năng lực, trình độ: 37 % số đảng viên là nữ trong đơn vị; 54 % số cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng; 17 % số cán bộ nữ có trình độ Thạc sỹ ...

 Hoạt động trợ giúp pháp lý trực tiếp của Cục và hoạt động chỉ đạo đối với địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ hướng tới vì sự phát triển của phụ nữ.

Trong khuôn khổ Dự án "Hỗ trợ hệ thống trợ giúp pháp lý ở Việt Nam, 2005 - 2009" do Sida, SDC, Oxfam Novib và SCS đồng tài trợ (Dự án chung), Cục Trợ giúp pháp lý đã thành lập 05 Văn phòng TGPL cho phụ nữ tại Hà Nội, Khánh Hòa, Hà Tây, Bắc Giang, Thái Bình và thành phố Hồ Chí Minh. Kể từ khi thành lập cho đến khi kết thúc hoạt động, ngoài việc TGPL tại trụ sở Văn phòng, các Văn phòng trên đã thực hiện 198 đợt TGPL lưu động cho phụ nữ, qua đó đã TGPL cho 28.272 chị em phụ nữ trong 28.272 vụ việc, trong đó cứ luật sư tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi cho chị em trong các vụ án tại phiên tòa là 274 vụ việc.

Các hoạt động chỉ đạo đối với địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ hướng tới vì sự phát triển của phụ nữ: Cùng với quá trình củng cố, sắp xếp công việc, vị trí công tác, đào tạo nâng cao năng lực.v.v... bảo đảm đúng vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ nữ ở Cục; hoàn thiện cơ chế, chính sách để bảo đảm bình đảng giới, 05 năm qua, Cục luôn quan tâm chỉ đạo các địa phương bố trí các nguồn lực phù hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động TGPL cho phụ nữ, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong đời sống xã hội.  Được sự hỗ trợ của Dự án "Hỗ trợ hệ thống trợ giúp pháp lý ở Việt Nam, 2005 - 2009" và 02 Dự án dành riêng cho hoạt động trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán, gồm: “Dự án phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em và tăng cường bảo vệ nạn nhân bị buôn bán” do Quỹ Châu Á tài trợ và một hợp phần thuộc Dự án do Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tài trợ, từ năm 2007 đến nay, các Trung tâm TGPL trong toàn quốc đã thực hiện TGPL cho 232.028 đối tượng là phụ nữ trong tổng số 698.535 đối tượng được TGPL.

Nhìn chung, kể từ khi Nghị quết được triển khai, nhận thức của đa số cán bộ, công chức, viên chức về tình hình phụ nữ, công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ đã có sự chuyển biến tích cực hơn; vị trí, vai trò to lớn cũng như trách nhiệm của cán bộ nữ trong Cục đã được khẳng định trong việc sắp xếp tổ chức, nhân sự; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ chính trị và trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành, các hoạt động chuyên môn của Cục, của các tổ chức Đoàn thể, bảo đảm thực hiện đúng quan điểm, mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra; Thể chế pháp lý trong lĩnh vực TGPL liên quan đến bình đẳng giới, lồng ghép giới, phòng chống bạo lực gia đình.v.v... đã được Cục Trợ giúp pháp lý tham mưu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động TGPL cho phụ nữ trong phạm vi cả nước cũng như trong các trường hợp đặc thù.

Tuy nhiên, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Cục TGPL, mặc dù đã thực hiện Nghị quyết trên thực tế tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn thiếu đồng bộ, thiếu sự phối chặt chẽ giữ cấp ủy, lãnh đạo Cục và các tổ chức đoàn thể. Trong 05 năm qua, Cục cũng chưa xây dựng được kế hoạch dài hạn, cũng như kế hoạch hàng năm về công tác cán bộ phụ nữ, vì vậy, trong quá trình thực hiện Nghị quyết đôi khi còn lúng túng, thụ động. Bên cạnh đó, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ của Cục chậm được củng cố, kiện toàn; Chất lượng một số văn bản pháp luật liên quan đến bình đẳng giới trong lĩnh vực TGPL còn hạn chế, chưa thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Có những hạn chế trên là do việc quán triệt các quan điểm, mục tiêu, giải pháp đã được Nghị quyết đề ra chưa thực sự sâu sắc trong đội ngũ cán bộ chủ chốt của đơn vị. Sau khi Nghị quyết được ban hành, Chi ủy Chi bộ Cục Trợ giúp pháp lý cũng chưa xây dựng được chương trình hành động của Chi bộ để thực hiện Nghị quyết; công tác kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết cũng chưa được chú trọng.

Để tinh thần của Nghị quyết số 11-NQ/TW  về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” được thực hiện có hiệu quả trên thực tế trogn thời gian tới, Cục dự kiến một số hoạt động thiết thực như: tiếp tục quán triệt sâu sắc trong toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong Cục để nâng cao nhận thức về các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ mà Nghị quyết đã đề ra; xác định rõ trách nhiệm của Chi ủy, lãnh đạo Cục và Chi đoàn Cục, Công đoàn Cục trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết; Tham mưu Lãnh đạo Bộ làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. Phấn đấu đến năm 2015 (duy trì đến năm 2020) đạt mục tiêu: trong cơ cấu Lãnh đạo Cục, các đơn vị thuộc Cục và Ban Chấp hành Công đoàn Cục, Ban Chấp hành Chi đoàn Cục có tối thiểu 30% cán bộ nữ; 80% cán bộ, công chức, viên chức nữ đặt trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên; 50% cán bộ nữ ở các vị trí lãnh đạo Cục và Trưởng các đơn vị thuộc Cục đạt trình độ lý luận chính trị cao cấp; Rà soát toàn bộ các văn bản pháp luật trong lĩnh vực TGPL liên quan đến phụ nữ để loại bỏ các hạn chế, chồng chéo, bất cập đồng thời tham mưu, đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bảo đảm cho phụ nữ quyền tiếp cận và thực hiện quyền TGPL được kịp thời, với chất lượng dịch vụ tốt nhất; Tăng cường chỉ đạo của Cục đối với các địa phương trong việc đẩy mạnh TGPL cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt; Tiếp tục quan tâm, tạo môi trường thuận lợi để cán bộ nữ có khả năng, điều kiện bồi dưỡng, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống để mỗi năm tối thiểu kết nạp 01 cán bộ nữ vào Đảng; Kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ của Cục; Tăng phối hợp giữa Lãnh đạo Cục, Chi ủy, Ban Chấp hành Công đoàn Cục, Ban Chấp hành Chi đoàn Cục trong việc thực hiện Nghị quyết./.