Không muốn ở vị thế người bồi thường
Theo số liệu tổng hợp của các Bộ, ngành và địa phương, từ ngày 01/01/2010 đến ngày 30/9/2012, các cơ quan có TNBT đã thụ lý 165 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong đó, đã giải quyết được 122/165 vụ việc (đạt tỷ lệ 74%) với tổng tiền bồi thường gần 16 tỷ đồng, còn lại 43 vụ việc đang tiếp tục giải quyết. Qua công tác kiểm tra, theo dõi hoạt động giải quyết bồi thường, Cục BTNN nhận thấy tinh thần, thái độ và trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao và trước việc giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp còn kém, dẫn đến vi phạm, làm phát sinh TNBTCNN; có trường hợp cố tình làm trái quy định của pháp luật, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khởi tố….
Chia sẻ kết quả khảo sát 600 CBCC, Phó Cục trưởng Cục BTNN Trần Việt Hưng cho biết, chỉ có 24,17% cán bộ được hỏi nói rằng biết rõ về pháp luật bồi thường nhưng đa số thừa nhận mình có biết song chưa đầy đủ. Ngoài ra, chỉ có 26,5% cán bộ được hỏi cho rằng mình đã hướng dẫn người dân cách hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ một cách đầy đủ, còn lại là không trả lời hoặc trả lời đã thực hiện nhưng chưa đầy đủ.
Ông Nguyễn Văn Thảo (Vụ 1, VKSNDTC) nhận định, trong quá trình giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại, thái độ của một số CBCC khi làm việc và thương lượng bồi thường chưa đúng mức, gây tâm lý căng thẳng, không đáng có cho người bị oan. Có trường hợp, trong quá trình thương lượng bồi thường thiệt hại vật chất, cán bộ tư pháp có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm, đưa ra những yêu cầu thiếu căn cứ buộc người bị oan phải chấp nhận mức bồi thường thấp hơn thiệt hại thực tế hoặc xác định không đúng, không đủ thiệt hại được bồi thường, gây phản ứng gay gắt của người bị oan, dẫn đến thương lượng không thành phải đưa ra Tòa án giải quyết, làm kéo dài việc giải quyết vụ việc.
Bà Nguyễn Hải An (TANDTC) lại tâm tư: “Lẽ ra, với những quyết định hành chính sai sót, gây thiệt hại cho người dân thì cơ quan Nhà nước phải chủ động bồi thường. Tuy nhiên, trong nhận thức của cán bộ, lãnh đạo các cấp, ngành vẫn còn là tư duy “xem xét, giải quyết”, chứ chưa quen “bồi thường, bù đắp, hoàn trả” lợi ích hợp pháp của công dân. Phía cơ quan Nhà nước vẫn muốn ở vị thế người giải quyết khiếu nại hơn là người bồi thường”.
Tạo cải cách thực sự trong nhận thức
Tại tọa đàm, các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị để khắc phục những hạn chế, yếu kém về lề lối làm việc, trình độ của CBCC đã được phân tích trên đây. Bà Hải An đề xuất, các cơ quan gây oan, sai cần phải có thái độ chủ động bồi thường với ý thức khắc phục hậu quả thiệt hại do người tiến hành tố tụng gây ra nhằm cải cách thực sự trong nhận thức của CBCC về trách nhiệm trước hậu quả của việc gây ra thiệt hại, đồng thời phải đề cao trách nhiệm của người thực thi công vụ trong quá trình giải quyết vụ việc, của các cấp lãnh đạo trong quản lý, điều hành. Có như vậy mới “đảm bảo việc bồi thường được thực thi có hiệu quả” - bà Hải An khẳng định.
Ông Thảo kiến nghị, cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, lòng tự trọng nghề nghiệp cho CBCC trong các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung và ngành Kiểm sát nói riêng, đảm bảo CBCC có đạo đức, có tinh thần trách nhiệm, thật sự cẩn trọng, chí công vô tư trong quá trình thực hiện nghiệp vụ. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC để đội ngũ này có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, nắm vững pháp luật, kịp thời cập nhật những quy định pháp luật mới áp dụng vào thực tế đạt hiệu quả.
Phó Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo (Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp) Vũ Văn Đoàn đề nghị cần có hướng dẫn thống nhất trong việc phối hợp thu khoản tiền hoàn trả của công chức đã nghỉ hưu, hiện đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (lương hưu hàng tháng) tại Cơ quan bảo hiểm. “Đây là quy định điều chỉnh trường hợp công chức đã nghỉ hưu không tự nguyện thực hiện việc hoàn trả” - ông Đoàn nhấn mạnh.
Cẩm Vân