Cần giải quyết 4 vấn đề về chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển

17/12/2012
Cần giải quyết 4 vấn đề về chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển
Chiều 14/12, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội thảo “Thực thi quyền và chủ quyền đối với vùng biển Việt Nam - Nhìn từ pháp luật chuyên ngành”. Với sức “nóng” của chủ đề này, Hội thảo đã thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực biển và kinh tế biển.

Bàn về quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trong hoạt động khai thác dầu khí, TS. Lê Quý Quỳnh - Vụ trưởng Vụ Biển, Ủy ban Biên giới quốc gia - cho biết: Biển Đông đem lại nhiều lợi ích chiến lược cho các nước xung quanh nhưng đồng thời cũng chứa đựng những mầm mống tranh chấp hết sức phức tạp, làm mất an ninh an toàn hàng hải trên biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực. Đặc biệt, kể từ khi Trung Quốc chính thức đưa ra bản đồ thể hiện “đường yêu sách lưỡi bò” vào tháng 5/2009 và có ý đồ hiện thức hóa đường yêu sách hết sức phi lý này, tình hình trên biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp hơn.

Trong bối cảnh tranh chấp nói trên, các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí gặp không ít khó khăn, phức tạp và không còn là hoạt động kinh tế đơn thuần trên biển mà quan trọng hơn còn là các hoạt động thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam theo luật pháp Việt Nam, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước 1982). Do vậy, “hiện nay, chúng ta có bốn vấn đề lớn liên quan đến chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển cần giải quyết. Đó là vấn đề chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc; vấn đề chủ quyền trên quần đảo Trường Sa giữa 5 nước 6 bên gồm Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philippine, Đài Loan và Brunei; phân định ranh giới các vùng biển theo Công ước 1982; và việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa” - ông Quỳnh chia sẻ.

Để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển và thềm lục địa của mình thông qua hoạt động dầu khí, theo ông Quỳnh, phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực dầu khí thông thoáng, triệt tiêu chồng chéo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp dầu khí nước ngoài đầu tư vào nước ta. Ngoài ra, Việt Nam cũng nên có cơ chế ưu tiên, ưu đãi cụ thể đối với các nhà thầu dầu khí nước ngoài hoạt động trong khu vực nhạy cảm, cam kết đầu tư hợp tác lâu dài tại Việt Nam. Không những thế, cần tiếp tục duy trì các diễn đàn đàm phán phân định ranh giới trên biển và thềm lục địa với các nước hữu quan, đầu tư xác đáng nhân lực để sớm có thể đi đến thống nhất và ký kết các Hiệp định về ranh giới trên biển và thềm lục địa nhằm tạo ra môi trường thuận lợi, ổn định cho hoạt động dầu khí.

PGS.TS. Vũ Thanh Ca - Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo thì đề xuất phải nhanh chóng ban hành cơ chế phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Theo đó, các cơ quan phải phối hợp xây dựng, thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; phối hợp tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; phối hợp trong việc tổ chức Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam… “Việc phối hợp này nhằm mục đích tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, bảo đảm phát triển bền vững; góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, hải đảo cũng như bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, hải đảo” - ông Ca nhấn mạnh.

Cẩm Vân


Hồng Minh