Kết quả rà soát các văn bản liên quan đến quy định về hộ khẩu hoặc các quy định khác trái với Luật Cư trú

03/07/2007
Ngày 29/6/2007, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo số 40/BC-BTP gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát văn bản thi hành Luật Cư trú, theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 07/2007/CT-TTg ngày 29/3/2007 về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Cư trú.

Thực hiện nhiệm vụ rà soát văn bản thi hành Luật Cư trú (có hiệu lực từ ngày 01/7/2007), ngày 07/5/2007, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có Quyết định số 592/QĐ-BTP ban hành “Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ rà soát theo quy định tại Chỉ thị số 07/2007/CT-TTg ngày 29/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Cư trú”. Sau khi có kế hoạch triển khai, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương đã tích cực thực hiện việc rà soát các văn bản liên quan đến Luật cư trú, phát hiện được số lượng lớn văn bản hết hiệu lực thi hành, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp và kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản mới cho phù hợp.

Theo kết quả báo cáo của Bộ Tư pháp, tính đến hết ngày 29/6/2007, Bộ Tư pháp đã nhận được báo cáo kết quả rà soát văn bản liên quan đến Luật Cư trú của 32 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước.

Tổng số văn bản có liên quan đến Luật Cư trú được các bộ, ngành và địa phương có báo cáo  rà soát là 567 văn bản, trong đó phát hiện 129 văn bản hết hiệu lực (chiếm 22,7%, bao gồm các văn bản hết hiệu lực từ thời điểm Luật Cư trú có hiệu lực và những văn bản hết hiệu lực trước đó), 68 văn bản đề nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, bãi bỏ (chiếm tỷ lệ 15% số văn bản đang còn hiệu lực). Trong số đó, các Bộ, ngành có báo cáo đã rà soát được 310 văn bản, phát hiện 58/310 văn bản hết hiệu lực thi hành, chiếm tỷ lệ 18,7%; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ 18 văn bản, chiếm tỷ lệ 7,1% số văn bản đang còn hiệu lực; các địa phương có báo cáo đã rà soát được 257 văn bản, phát hiện 71/257 văn bản hết hiệu lực, chiếm tỷ lệ 27,6%; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ 50 văn bản, chiếm tỷ lệ 26,9% số văn bản đang còn hiệu lực. Các Bộ, ngành và địa phương cũng đã đề nghị ban hành mới 14 văn bản nhằm triển khai thi hành tốt Luật Cư trú.

Một số bộ, ngành và địa phương thực hiện việc rà soát bảo đảm các yêu cầu về nội dung. Qua rà soát đã phát hiện được nhiều văn bản hết hiệu lực và kiến nghị ban hành mới, sửa đổi, bãi bỏ nhiều văn bản trái với Luật Cư trú như: Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Giáo dục và đào tạo, Ủy ban Thể dục thể thao, Ban Tôn giáo Chính phủ; các địa phương Khánh Hòa, Gia Lai, Đà Nẵng, Sơn La, Bình Định, Lạng Sơn, Hưng Yên, Tiền Giang, Đăk Lăk... Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, có  nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước hiện nay có một số văn bản có liên quan đến hộ khẩu, quy định hộ khẩu như một điều kiện bắt buộc đối với công dân khi tham gia vào các quan hệ xã hội như lao động, việc làm; cán bộ, công chức; y tế; bưu chính, viễn thông; tín dụng; nhà, đất... Tuy nhiên, khi  rà soát một số bộ, ngành và địa phương lại chưa tìm thấy hoặc chưa xác định được các văn bản liên quan đến Luật cư trú để đưa vào rà soát. Về vấn đề này, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục đề nghị các bộ, ngành quản lý nhà nước về các lĩnh vực nêu trên quan tâm hơn đến việc rà soát các văn bản liên quan Luật Cư trú để có những phát hiện, kiến nghị và xử lý theo yêu cầu của Thủ tướng.

Bộ Tư pháp cũng đã có kiến nghị Chính phủ trong quá trình xây dựng các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Cư trú cần xác định rõ thẩm quyền đưa ra các yêu cầu về hộ khẩu để giải quyết các công việc liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, không để việc tùy tiện ban hành những văn bản có yêu cầu về hộ khẩu làm cản trở đến quyền và lợi ích của công dân. Trên cơ sở những nguyên tắc đã được xác định, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tăng cường công tác thẩm định, thẩm tra các dự thảo văn bản để bảo đảm các văn bản QPPL được ban hành phù hợp với Luật Cư trú, cũng như tiếp tục kiểm tra, giám sát, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác trong lĩnh vực quản lý của mình liên quan đến hộ khẩu mà trái với Luật Cư trú hoặc lạm dụng hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ cho phù hợp với quy định của Luật cư trú./.

                                      Lê Tuấn Phong