Ngày 19/10, tại Long An, Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Vụ Tổ chức cán bộ đã phối hợp với Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố phía Nam tổ chức Tọa đàm về việc phối hợp giữa cơ quan tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự địa phương, cụ thể là giữa Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Phòng Tư pháp và Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện.
Luật Thi hành án dân sự được ban hành năm 2008 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự. Ngày 9/9/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự. Theo đó, hệ thống tổ chức cơ quan thi hành án dân sự đã được tổ chức theo ngành dọc, do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý về hoạt động và tổ chức bộ máy từ trung ương đến địa phương. Qua ba năm thực hiện Luật Thi hành án dân sự cho thấy bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được thì cũng có nhiều vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu để bảo đảm cho việc thi hành Luật được tốt hơn, góp phần vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, trong đó có vấn đề về việc phối hợp giữa cơ quan tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Tại Tọa đàm, các đại biểu đã cơ bản thống nhất đối với sự cần thiết của việc ban hành Quy chế về mối quan hệ phối hợp giữa Sở Tư pháp với Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Phòng Tư pháp với Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện trong công tác thi hành án.
Nội dung phối hợp là một trong trong vấn đề thu được sự quan tâm của các đại biểu tại Tọa đàm. Các đại biểu đã nêu những nội dung phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo Điều 173, Điều 174 của Luật Thi hành án dân sự và phối hợp trong việc thực hiện một số hoạt động thi hành án có liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp. Một số ý kiến rằng nhiều nội dung tại Điều 173 và Điều 174 Luật Thi hành án dân sự đã được quy định hoặc đã có hướng dẫn cụ thể do đó chỉ đề cập ở mức độ vừa phải trong Quy chế phối hợp. Cụ thể như trách nhiệm về chỉ đạo sự phối hợp trong công tác thi hành án đã được quy định ngay tại Điều 14 và Điều 16 Luật Thi hành án và trong Thông tư hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự, chế độ báo cáo, thống kê được quy định tại Thông tư 06, công tác cán bộ được quy định tại thông tư số 09,… Do vậy, Quy chế cần tập trung quy định cụ thể hơn đối với các nội dung có liên quan đến nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan tư pháp có liên quan đến thi hành án dân sự như bán đấu giá tài sản, công chứng, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý. Trong đó nhiều đại biểu khẳng định nếu như có sự phối hợp tốt hơn giữa cơ quan thi hành án dân sự và Sở Tư pháp thì một số vụ việc thi hành án cụ thể đã không nảy sinh những vấn đề phức tạp, khó giải quyết và không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của công dân. Liên quan đến nội dung phối hợp, cũng có những ý kiến băn khoăn về sự phù hợp của hình thức văn bản. Ý kiến thảo luận cho thấy có nhiều vấn đề phối hợp được đặt ra lại gắn với thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan. Trong khi đó, với hình thức là Quy chế ban hành kèm theo Quyết định của Bộ trưởng thì sẽ không giải quyết được vướng mắc này. Do vậy, nên chăng Tổng cục cần đề xuất điều chỉnh hình thức Quy chế hoặc quan tâm nhiều hơn đến những nội dung chức năng, thẩm quyền đã có của từng cơ quan và từ đó để xác định nội dung và cách thức phối hợp cho phù hợp.
Mặc dù tại Tọa đàm có nhiều ý kiến xung quanh về nội dung phối hợp, tuy nhiên một điểm chung được các đại biểu thống nhất đó là việc ban hành Quy chế phối hợp phải được thực hiện trên nguyên tắc vì hiệu quả, chất lượng của công tác thi hành án dân sự, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị chuyên môn của Bộ, Ngành và của địa phương. Trên cơ sở ý kiến tại Tọa đàm, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ có rà soát để từng bước xây dựng và hoàn thiệnQuy chế phối hợp.
Trần Thu Hường - Vụ TCCB