Q. Giám đốc NXB Tư pháp Nguyễn Kim Tinh: “Đoàn kết, năng động, trí tuệ và phát triển” để nhanh cán đích

23/03/2012
Năm 2012 là năm đầu tiên các cụm thi đua khối các đơn vị thuộc Bộ tổ chức phát động phong trào thi đua và ký kết giao ước thi đua. Tiên phong cho hoạt động này là Cụm thi đua số II gồm 8 đơn vị sự nghiệp của Bộ Tư pháp: Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp, Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột, Trung cấp Luật Thái Nguyên, Trung cấp Luật Vị Thanh, Báo Pháp luật Việt Nam, Nhà xuất bản (NXB) Tư pháp và Tạp chí Dân chủ & Pháp luật. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Trưởng cụm Cụm thi đua số II, Q. Giám đốc NXB Tư pháp Nguyễn Kim Tinh về kế hoạch thi đua trong năm của Cụm nói chung và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2012 của NXB Tư pháp nói riêng.

Kiểm tra chéo đơn vị đăng ký danh hiệu cao

PV: Nhằm hưởng ứng phong trào thi đua của Bộ Tư pháp thì đâu là những nội dung thi đua mà Cụm chú trọng, thưa ông?

*. Bên cạnh phong trào thi đua thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm năm 2012 của các đơn vị trong Cụm là tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị đoàn kết, vững mạnh toàn diện, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, gắn với tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Hưởng ứng phong trào thi đua do Bộ phát động “Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cơ quan Bộ Tư pháp ra sức thi đua về đích sớm các nhiệm vụ được giao”, Cụm cũng đề ra khẩu hiệu thi đua là “Đoàn kết, năng động, trí tuệ và phát triển” với mục tiêu trọng tâm “Tăng doanh thu, nâng cao vị thế, uy tín trong làng báo chí, xuất bản” của các đơn vị thuộc khối báo chí - xuất bản và “Xây dựng và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo” của các đơn vị thuộc khối đào tạo - bồi dưỡng.

PV: Được biết, Cụm thi đua số II là Cụm đầu tiên trong số 3 Cụm thi đua các đơn vị thuộc Bộ tổ chức Hội nghị phát động thi đua và ký kết giao ước thi đua. Với tư cách Trưởng Cụm, ông thấy có những trở ngại gì trong việc triển khai hình thức hoạt động mới mẻ này?

*. Đúng là so với các khu vực thi đua khối các cơ quan tư pháp địa phương, việc tổ chức Hội nghị trên quả là rất mới mẻ. Tôi đã phải trực tiếp chỉ đạo rất quyết liệt bộ phận giúp việc cũng như nghiên cứu các văn bản liên quan, trao đổi với Vụ Thi đua - Khen thưởng… Các cán bộ giúp việc đã phải tự mày mò sáng tạo mẫu tài liệu để ký kết. Nhưng vất vả nhất là khâu chuẩn bị tài liệu, đôn đốc nhắc nhở các đơn vị thành viên trong Cụm đăng ký thi đua. Hơn nữa, việc giải ngân kinh phí được cấp từ ngân sách nhà nước cũng khó khăn vì chế độ chi hiện hành chưa phù hợp với thực tế.

PV:  Xin ông cho biết một số công việc cụ thể sẽ triển khai sau Hội nghị?

*. Sau Hội nghị, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra, ai đi kiểm tra, thành phần như thế nào, kiểm tra đơn vị nào về công tác thi đua - khen thưởng, đặc biệt là kiểm tra chéo giữa các đơn vị trong Cụm nhằm thực hiện tốt phong trào thi đua đã đề ra, tránh tình trạng “phát nhưng không động”. Từng đơn vị trong Cụm sẽ cụ thể hóa các nội dung thi đua do Cụm phát động, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ của mình.

Vào cuối năm sẽ có Hội nghị tổng kết, đánh giá công tác thi đua - khen thưởng để bình xét danh hiệu thi đua - khen thưởng mà các đơn vị đăng ký có đạt hay không, danh hiệu nào cần bỏ phiếu thì sẽ bỏ phiếu và Cụm sẽ hoàn thiện hồ sơ gồm biên bản họp, biên bản kiểm phiếu, báo cáo tổng hợp gửi lên Hội đồng Thi đua - khen thưởng ngành Tư pháp để Hội đồng họp xem xét công nhận. Cụm sẽ gửi hồ sơ đối với các danh hiệu thi đua “cao” mà theo quy định các đơn vị không được gửi hồ sơ trực tiếp lên Hội đồng ngành, bao gồm 2 danh hiệu tập thể là Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua ngành Tư pháp và 2 danh hiệu cá nhân là Chiến sỹ thi đua toàn quốc, Chiến sỹ thi đua ngành Tư pháp. Hy vọng, năm nay các danh hiệu mà Cụm đăng ký sẽ đạt được hết vì do năm đầu tiên có Cụm nên các đơn vị đăng ký cũng không nhiều - chỉ có Trường Đại học Luật Hà Nội đăng ký 1 Cờ thi đua ngành Tư pháp và 4 đơn vị đăng ký 15 danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp. 

PV: Những đơn vị nào nằm trong kế hoạch kiểm tra chéo của Cụm, thưa ông?

*.  Tại thời điểm này, chúng tôi chưa xây dựng kế hoạch song định hướng là sẽ tập trung vào những đơn vị đăng ký danh hiệu thi đua cao như Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam và Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, cái khó của việc kiểm tra chéo là phương pháp kiểm tra, nội dung kiểm tra, chi phí cho những người đi tham gia kiểm tra là chưa rõ nguồn. Những khó khăn này Vụ Thi đua – Khen thưởng cần nghiên cứu, hướng dẫn để các Cụm có cơ sở thực hiện.

Phấn đấu giảm 50% số ấn phẩm quá tiến độ

PV: Một trong những tồn tại của công tác năm 2011 của NXB đã được nhìn nhận là tiến độ thực hiện các đề tài còn chậm so với yêu cầu, ảnh hưởng đến hiệu quả phát hành. Vậy trong năm nay, NXB sẽ cải thiện tình hình này như thế nào?

*. Năm 2012, chúng tôi đặt mục tiêu là giảm 50% số ấn phẩm quá tiến độ so với năm 2011, tức là giảm một nửa và sang năm tiếp tục giảm nốt 50% còn lại. Bởi NXB xác định rõ ràng rằng việc phấn đấu giảm sản phẩm chậm tiến độ không chỉ tăng hiệu quả phát hành mà còn góp phần tăng uy tín với khách hàng.

PV: Từ cương vị Phó Giám đốc, hẳn ông cũng biết rõ những thế mạnh của NXB khi tiếp quản?

*. Thế mạnh của NXB là đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường xuất bản Việt Nam. Sách của NXB được đảm bảo hay về nội dung và đẹp về hình thức, chẳng hạn năm nay chúng tôi phấn đấu có 1 - 2 bìa sách đạt giải sách đẹp tại các cuộc thi. Đội ngũ cán bộ viên chức đa số là có chất lượng, được chuẩn hóa, bố trí đúng người đúng việc. Không những thế, chúng tôi luôn nhận được sự chỉ đạo quyết liệt thường xuyên của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, đặc biệt là Thứ trưởng phụ trách Nguyễn Thúy Hiền và sự ủng hộ của các đơn vị trong Bộ.

PV: Nhưng trong bối cảnh chung không mấy thuận lợi, theo ông đâu là thách thức lớn với nhiệm vụ công tác chuyên môn của NXB?

*. Thách thức đầu tiên chính là mở rộng thị trường, làm thế nào để thị trường đầu ra phải tăng lên, tôi nghĩ phải mất nhiều năm mới làm tốt được chứ không thể trong 1 – 2 năm là phát triển ngay thị trường đầu ra. Tiếp đến là xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các tác giả có nhiều bản thảo hay gửi đến NXB. Nan giải của đội ngũ cộng tác viên của NXB là tính ổn định không cao vì người viết bản thảo về sách pháp luật thường là nhà khoa học, nhà giáo, chuyên gia pháp lý, thỉnh thoảng mới viết được một vài bản thảo chứ không thể viết liên tục. Do vậy, chúng tôi liên tục phải có chiến lược bồi dưỡng cộng tác viên, chăm sóc cộng tác viên cũ, phát hiện cộng tác viên mới để duy trì, bổ sung đội ngũ cộng tác viên của mình.

Một khó khăn khác là cơ sở vật chất vẫn phải đi thuê, việc xây dựng trụ sở tại 35 Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội mới đang trong giai đoạn lập dự án đầu tư. Trong số 64 NXB cả nước, đại đa số đã được cơ quan chủ quản tạo điều kiện cấp trụ sở hoạt động, thậm chí có NXB có dư diện tích làm việc để cho thuê. NXB Tư pháp là một trong số ít các NXB phải đi thuê trụ sở.

PV: NXB Tư pháp đã từng trải qua một giai đoạn khó khăn thì nay ở cương vị người đứng đầu đơn vị, chắc ông không tránh khỏi những trăn trở, ưu tư, nhất là trong việc ổn định tư tưởng của cán bộ, công chức của mình?

*. Quả là tôi cũng băn khoăn vì trách nhiệm nhiều hơn, công việc nặng nề hơn so với trước đây, đòi hỏi phải nỗ lực, cố gắng hơn rất nhiều, làm thế nào để đưa được nhiều sách của NXB Tư pháp đến người dân, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa để nâng cao kiến thức pháp luật cho họ. Nhưng lại có thuận lợi khi mình vừa là Thủ trưởng cơ quan vừa là Bí thư Chi bộ, Đảng ủy viên Bộ Tư pháp nên rất thuận lợi trong công tác chính trị tư tưởng. Tôi luôn chỉ đạo và thực hiện chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, viên chức, động viên cán bộ, viên chức hăng say với công việc, đoàn kết gắn bó, vượt qua khó khăn về vật chất vì một tương lai tốt đẹp hơn.

PV:  Còn in lậu, NXB Tư pháp đối phó với vấn nạn này ra sao?

*.  Các NXB, trong đó có NXB Tư pháp, đều biết rằng có những sản phẩm của mình vừa phát hành ra thị trường đã lập tức bị in lậu, chất lượng không bằng nhưng cũng chỉ có thể kiến nghị lên các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông), A87 (Bộ Công an) để các cơ quan này nghiên cứu, giải quyết thôi. Tôi cũng nhận thấy rằng các lực lượng chức năng có đi kiểm tra song chưa thực sự quyết liệt. Không thể biết đến bao giờ mới chấm dứt được tệ nạn này, vì lợi ích kinh tế từ nạn in lậu rất lớn. Có thể nói, in lậu hiện nay nằm ngoài tầm kiểm soát của các NXB mà đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước.

PV:  Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Thư