Thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm - ưu tiên mục tiêu quản lý nhà nước hay mục tiêu công khai hóa tình trạng pháp lý của tài sản?

19/03/2012
Thực hiện Chương trình hợp tác giữa Bộ Tư pháp và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), ngày 16/3/2012, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và Dự án phối hợp tổ chức Tọa đàm họp góp ý dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản.

Tham dự Tọa đàm có đại diện Dự án Jica tại Việt Nam; các thành viên của Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự thảo Thông tư; đại diện các Bộ, ngành có liên quan: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước…; đại diện các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư liên tịch bao gồm các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, các tổ chức hành nghề công chứng, Cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan có chức năng cấp, đăng ký biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa….

Tại Tọa đàm, quan điểm về việc xác định thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước về tài sản hay mục tiêu công khai tình trạng pháp lý của tài sản chính là nội dung mà các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận.

Hiện nay, ở nước ta, việc đăng ký dường như mới chỉ dừng lại chủ yếu phục vụ mục đích quản lý nhà nước. Mục đích này chính là sự chi phối, có thể là trở ngại trong việc thu thập thông tin về các loại tài sản tại Việt Nam. Theo đại diện Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội, do thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm hiện nay còn thiếu tập trung, gây khó khăn rất lớn cho việc tiếp cận, tìm hiểu thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản; mặt khác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý sự dịch chuyển của tài sản. Trong khi đó cơ chế công khai, tiếp cận với thông tin đăng ký do cơ quan nhà nước nắm giữ còn hết sức hạn chế.

Tham khảo kinh nghiệm về vấn đề này tại Nhật Bản, ông Takeshi Nishoha - Cố vấn trưởng Dự án Jica cho biết: ở Nhật Bản việc đăng ký có mục đích và chức năng thông báo công khai tình trạng pháp lý của tài sản. Khi một tài sản được đưa vào tham gia giao dịch nếu như thông tin về tài sản đó không có hoặc không đầy đủ thì các bên không thể yên tâm về hoạt động giao dịch được. Do đó, việc đăng ký ở Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng, đem lại quyền lợi của các bên đối với tài sản đó.

Đại diện Phòng Công chứng số 1 Hà Nội và Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cũng đã trao đổi, thảo luận về thực trạng việc tìm hiểu thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm từ các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình công chứng các hợp đồng, giao dịch tại tổ chức hành nghề công chứng; thực trạng việc cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm trong quá trình thực hiện kê biên tài sản thi hành án, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm.

Trên cơ sở những nội dung trao đổi, thảo luận, đại diện các bộ, ngành có liên quan đã thể hiện quan điểm ủng hộ về sự cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng và ban hành một văn bản hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm, nhằm thực hiện tốt hơn nữa việc công khai hóa, minh bạch hóa tình trạng pháp lý của tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, góp phần vào đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự - kinh tế, giúp lành mạnh hóa môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Thu Thủy - Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm