Tọa đàm về sửa đổi Bộ luật Dân sự, phần các biện pháp bảo đảm tại Hà Nội

12/01/2012
Tọa đàm về sửa đổi Bộ luật Dân sự, phần các biện pháp bảo đảm tại Hà Nội
Phục vụ việc nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Dân sự, ngày 11 và 12/01/2012, Nhà Pháp luật Việt - Pháp đã phối hợp với Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế tổ chức Tọa đàm về các biện pháp bảo đảm tại Hà Nội. Chuyên gia Pháp tham gia thuyết trình tại Tọa đàm là Giáo sư Michel Grimaldi đến từ Trường Đại học Paris 2.

Tham dự Tọa đàm có đại diện các cơ quan liên quan thuộc Bộ Tư pháp, Tòa án, các Văn phòng Luật sư, Phòng Công chứng, ngân hàng, các trường đại học, viện nghiên cứu và một số cơ quan, tổ chức khác.

Tại Tọa đàm, đại diện Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã trình bày một số vấn đề tồn tại trong pháp luật về các biện pháp bảo đảm cần được nghiên cứu hoàn thiện trong quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự. Một trong những vấn đề quan trọng là cần có sự phân chia vật quyền và trái quyền nói chung và vật quyền bảo đảm và trái quyền bảo đảm nói riêng, đồng thời phải tăng cường tính công khai, minh bạch của giao dịch bảo đảm và tính lưu thông của tài sản được bảo đảm. Các nội dung khác như bảo đảm bằng tài sản của người thứ ba, bảo đảm nghĩa vụ hình thành trong tương lai, bảo đảm bằng tài sản hình thành trong tương lai cũng là những vấn đề cần được quy định thống nhất và cụ thể hơn.

Trước những vấn đề mà Việt Nam quan tâm trong lĩnh vực này, chuyên gia Pháp đã có bài giới thiệu tổng quát về pháp luật về các biện pháp bảo đảm của Cộng hòa Pháp, trong đó nhấn mạnh đến triết lý của Pháp về giao dịch bảo đảm, quá trình phát triển của các biện pháp bảo đảm, các cách phân loại biện pháp bảo đảm, những điểm mạnh và điểm yếu của từng biện pháp bảo đảm. Ngoài ra, chuyên gia đã phân tích cơ chế vận hành của từng biện pháp bảo đảm đối vật và đối nhân. Cuối cùng, chuyên gia đóng góp một số ý kiến bình luận về các quy định hiện hành của Bộ luật Dân sự năm 2005 và Nghị định 163 năm 2006 về giao dịch bảo đảm.

Cộng hòa Pháp là nước có hệ thống pháp luật dân sự nói chung và pháp luật về các biện pháp bảo đảm nói riêng rất phát triển nên những nội dung được trao đổi tại Tọa đàm được đánh giá là một trong những nguồn tham khảo hữu ích cho các cơ quan của Việt Nam trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Dân sự và các văn bản liên quan đến các biện pháp bảo đảm.

Nhà Pháp luật Việt - Pháp