Tọa đàm “Khảo sát thực trạng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”

30/09/2011
Tọa đàm “Khảo sát thực trạng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”
Thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 – 2014 được phê duyệt theo Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 5/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 585), ngày 22/3/2011 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 356/QĐ-BTP phê duyệt Kế hoạch khảo sát đánh giá thực trạng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Chương trình 585. Căn cứ vào Kế hoạch khảo sát, ngày 30/9, Ban Quản lý Chương trình 585 tổ chức Tọa đàm “Khảo sát thực trạng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”.

Tọa đàm có sự tham dự đầy đủ của các thành viên Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp, đại diện các tập đoàn, công ty lớn như: Tập đoàn Dầu khí, Công ty Kinh doanh vốn nhà nước… Ông Dương Đăng Huệ, Phó trưởng Ban Quản lý Chương trình 585, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế chủ trì Tọa đàm.

   

Tọa đàm đã nghe Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp báo cáo về thực trạng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp đã triển khai một cách tích cực các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp hội viên, hoạt động này được thể hiện dưới nhiều hình thức hỗ trợ pháp lý phong phú và đa dạng đem lại những hiệu quả thiết thực như: Phát hành Bản tin pháp chế doanh nghiệp hàng tháng; Cung cấp thường xuyên tới các doanh nghiệp thành viên các chính sách, VBQPPL kinh doanh của Nhà nước  và tập hợp các bài viết pháp lý mang tính thời sự; Phối hợp với Dự án GTZ biên soạn các cuốn cẩm nang pháp luật kinh doanh, hợp đồng…. Bên cạnh đó hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các doanh nghiệp; hoạt động tư vấn, giải đáp pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên; tổ chức các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm pháp luật kinh doanh; hoạt động tham gia xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng là một trong những hoạt động trọng tâm trong công tác này.

   

Qua đó, Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về tầm quan trọng của pháp luật trong cộng đồng doanh nghiệp thành viên; Thúc đẩy hoạt động thực thi pháp luật của doanh nghiệp thành viên; Tạo ra sự gắn kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp qua sợi dây liên kết về hỗ trợ doanh nghiệp thực thi pháp luật; Hoạt động của Câu lạc bộ pháp chế là mô hình xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Câu lạc bộ pháp chế còn khẳng định được sự đóng góp tích cực, có hiệu quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ chung của Bộ Tư pháp.

Xuất phát từ thực tiễn các hoạt động của Câu lạc bộ trong thời gian qua, qua khảo sát và phản ánh trực tiếp từ phía các doanh nghiệp hội viên một số nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp đã được đưa ra như: nhu cầu được cung cấp thông tin pháp luật; nhu cầu đào tạo bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; nhu cầu đào tào bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp; nhu cầu trợ giúp doanh nghiệp được tham gia cùng với các nhà quản lý đóng góp ý kiến xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nhu cầu củng cố kiện toàn Câu lạc bộ đáp ứng điều kiện phát triển trong tình hình mới.

T/N